Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình "Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo" ở M'Đrắk

08:52, 08/08/2018

Thực hiện công tác dân vận, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện M'Đrắk đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động giúp dân; trong đó, việc triển khai chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo" đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Ông Vũ Văn Tài (thôn 1, xã Krông Á) thuộc diện gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Năm 2017, Ban CHQS huyện M'Đrắk phối hợp với Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) hỗ trợ cho gia đình ông Tài 70 triệu đồng xây nhà Tình nghĩa. Từ ngày có ngôi nhà mới, cuộc sống của gia đình ông Tài thực sự đổi thay, sinh hoạt thuận tiện hơn rất nhiều. Mùa mưa năm nay, gia đình ông không còn lo lắng nông sản sau thu hoạch để trong nhà bị mưa dột và mốc như những năm trước. Tương tự, gia đình ông Sùng Seo Thái (thôn 5, xã Cư San) thuộc diện hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất. Năm 2012, Ban CHQS huyện M'Đrắk phối hợp với Cụm dân vận số 1 - Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ gia đình ông Thái một con trâu giống trị giá 25 triệu đồng. Từ con trâu giống này, gia đình ông đã phát triển thêm được hai con trâu. Ông Sùng Seo Thái cảm động: "Được hỗ trợ trâu giống, chúng tôi rất vui mừng phấn khởi bởi đây không chỉ là tài sản lớn gia đình mơ ước mà còn là động lực, niềm an ủi lớn lao về tinh thần giúp chúng tôi vươn lên thoát nghèo, cho các con được cắp sách đến trường".

Ban CHQS huyện M'Đrắk  trao nhà  Tình nghĩa tặng  gia đình ông Y Riêu Byă  (buôn M'Hạp,  xã Ea Trang).
Ban CHQS huyện M'Đrắk trao nhà Tình nghĩa tặng gia đình ông Y Riêu Byă (buôn M'Hạp, xã Ea Trang).

Thiếu tá Đinh Văn Đằng, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện M’Đrắk cho biết: Chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” do Quân khu 5 phát động có ý nghĩa thực tiễn trong thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới và là cách làm sáng tạo thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với phương châm “trao cần câu” và “bày cách câu”, hằng năm Đảng ủy, Ban CHQS huyện chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng vũ trang huyện tích cực, chủ động bám sát cơ sở; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình đời sống của từng hộ dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng khảo sát kỹ thực trạng, nguyên nhân từng hộ đói, hộ nghèo; nhu cầu, khả năng, nguyện vọng tham gia chương trình; xây dựng nội dung, cách thức giúp đỡ nhân dân thoát đói nghèo một cách vững chắc. Quy trình thực hiện chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” được bắt đầu từ việc lựa chọn đối tượng. Những đối tượng tham gia chương trình phải là những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn, có nghị lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, đói nghèo do thiếu vốn, nhà ở, ngày công lao động, cây, con giống... Trong thực hiện chương trình, Ban CHQS huyện đã kết hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu của các phong trào, cuộc vận động, mô hình dân vận khác, như: “kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số”, xây dựng “Hũ gạo tình thương”, Quỹ phúc lợi, mô hình “Góp gạo nuôi quân”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh… để tạo nguồn lực tổng hợp cho công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Với cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” giai đoạn 2012-2017, Ban CHQS huyện M’Đrắk đã phối hợp với Cụm dân vận số 1 - Bộ CHQS tỉnh huy động được gần 200 triệu đồng, trao tặng 1 con trâu, 4 con bò, 5 sổ tiết kiệm; hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa, tặng cây, con giống, tổ chức cho các hộ dân tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện; trao quà nhân dịp lễ, Tết… cho 110 gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện... Qua đó đã giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.