Multimedia Đọc Báo in

Lại chuyện "tắc nghẽn" nông sản hàng hóa

08:19, 18/08/2018
Thiếu thông tin thị trường, trong khi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ vậy kéo dài, khiến nhiều nhà nông chật vật, khổ sở, thậm chí đành bất lực trước các sản phẩm do chính mình đổ mồ hôi, công sức làm ra.
 
Mùa dứa năm nay, người nông dân Krông Bông thấp thỏm âu lo bởi giá cả biến động liên tục, đặc biệt là thời điểm giữa vụ. Tại xã Cư Đrăm, giá dứa đầu vụ đạt từ 7 – 10 nghìn đồng/quả nhưng đến giữa vụ chỉ còn 2 – 5 nghìn đồng/quả. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, mặc dù quả dứa chất lượng rất tốt, nhưng có những thời điểm, người dân chỉ biết chặt cho bò ăn vì không tìm được đầu ra sản phẩm!
 
Giá gốc là vậy, nhưng mức bán ngoài thị trường lại có sự chênh lệch đáng kể. Tại một số chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dứa được bán với giá khá cao. Đơn cử ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), giá dứa được các tiểu thương bán dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/quả, thậm chí có thời điểm 20 - 25 nghìn đồng/quả.  
 
Được xem là một trong những cây ăn trái chủ lực của tỉnh nhưng vào thời điểm chính vụ, quả bơ khiến không ít nhà nông thất thu. Bà Nguyễn Thị Chức ở xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana chia sẻ, năm nay bơ ngon được thương lái thu mua tại rẫy chỉ 4 nghìn đồng/kg, nhưng ra tới chợ bơ lại được “đội giá” lên 15 – 20 nghìn đồng/kg. Biết là vậy, nhưng nhà nông vẫn ngậm ngùi bán, bởi không thể tự tìm được đầu ra tốt hơn cho sản phẩm!.
 
Nông dân xã Ea Kpam huyện Cư M’gar thu hoạch bơ booth. Ảnh: Thanh Hường
Nông dân xã Ea Kpam huyện Cư M’gar thu hoạch bơ booth. Ảnh: Thanh Hường
Câu chuyện về “số phận” của nông sản Việt Nam không phải là mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - chuyên đề Nông nghiệp diễn ra vào tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đã đưa ra ví dụ rất điển hình cho những tồn tại, hạn chế mà nông nghiệp Việt Nam gặp phải. Với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bà nhận thấy rằng, muốn bán hàng thì phải đi chợ, một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. “Nhưng có thể nói rằng, chúng ta không có gian hàng nào ở đó, mà chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và mua đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang” – bà Thực nhấn mạnh…
 
Rất tiếc là còn quá ít những doanh nhân như bà Thực – người dám mua cả một nông trường, một ngày bán 400 tấn cam ở chợ Long Biên (Hà Nội), xuất khẩu 200 – 300 tấn vải thiều/ngày, điều đó cũng đồng nghĩa “số phận” của nông sản Việt Nam vẫn còn hẩm hiu, bị động trên thị trường… 
 
Có nhiều nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Đắk Lắk bị “nghẽn” trước khi ra tới thị trường. Để vượt qua được các lực cản này cần có những giải pháp đồng bộ nhưng hơn hết người nông dân cần nắm bắt nhu cầu thị trường, không sản xuất ồ ạt, phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và chủ động hơn nữa trong tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa, sản phẩm. 
 
Song Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.