Những cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi
Từ phong trào Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu trong công tác hội và phát triển kinh tế, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương CCB không chỉ năng nổ trong hoạt động hội mà còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lập nghiệp tại thôn 7 xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) từ năm 1993, thời gian đầu gia đình CCB Trần Văn Hiền gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn trong nhiều năm và tích cóp mua được gần 1 ha cà phê song do không có vốn đầu tư, thiếu kiến thức về sản xuất, không biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất cây trồng không cao. Không khuất phục trước khó khăn, năm 2004 ông Hiền mạnh dạn vay mượn vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, bò và gà…; chặt bỏ những cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp thay vào đó là trồng hồ tiêu. Hằng năm vợ chồng ông đều tiết kiệm, tích cóp mua thêm nương rẫy và ruộng trồng lúa và đến nay đã có 3 ha đất trồng lúa, nuôi cá và trồng cỏ nuôi bò. Sẵn có ao, ông đầu tư nuôi vịt đẻ, quy mô hiện từ 4.000 - 6.000 con vịt đẻ, thu hoạch hàng nghìn quả trứng vịt bán cho các cơ sở trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư thêm 2 lò ấp trứng, mỗi lần ấp 20.000 trứng, vừa để nở ra vịt giống, vừa để bán trứng lộn. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại nguồn thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Cựu chiến binh Trần Văn Hiền chăm sóc đàn vịt của gia đình. |
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 7, ông Hiền thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và bà con trong thôn; vận động xây dựng quỹ hội hàng trăm triệu đồng giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế…
Cũng với xuất phát điểm là hai bàn tay trắng, dù gặp nhiều khó khăn những năm đầu lập nghiệp nhưng với bản chất của người lính, không cam chịu đói nghèo, CCB Dương Công Lũy ở thôn 5A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế. Do ít vốn, ban đầu ông chỉ trồng rau và chăn nuôi nhỏ, “lấy ngắn nuôi dài”. Khi có thêm vốn, ông đầu tư trồng hơn 1 ha điều và trồng thí điểm 20 cây sầu riêng. Sau một thời gian, thấy cây điều đem lại hiệu quả không cao, giá cả lại bấp bênh, gia đình ông chuyển diện tích điều già cỗi sang trồng cà phê xen cây sầu riêng. Sau khi cà phê và sầu riêng cho thu hoạch, có thêm vốn, ông đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại để nuôi heo, gà và vịt. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật cộng với làm ăn đúng hướng và bố trí cây trồng hợp lý nên gia đình ông không những đã vượt qua khó khăn mà vươn lên làm giàu. Đến nay, trang trại của ông Lũy luôn có từ 10 - 15 con heo nái, 500 con gà, 50 cây sầu riêng và 1 ha cà phê đang cho thu hoạch; mỗi năm sau khi trừ hết chi phí gia đình ông có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Ông Dương Công Lũy (bìa phải) bên vườn cà phê xen sầu riêng của gia đình. |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 5, ông Lũy luôn nhiệt tình trong các hoạt động của Hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ những hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế, góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Năm 1988, CCB Phạm Văn Thười đưa gia đình từ quê hương Hải Dương vào thôn 3, xã Krông Á (huyện M’Đrắk) lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Với số vốn ban đầu chỉ vài triệu đồng, vợ chồng ông đã phải làm thuê, làm mướn, đồng thời tích cực khai hoang để có đất ở và đất sản xuất, chăn nuôi. Những ngày đầu, do chưa quen đất đai, thổ nhưỡng và thiếu hiểu biết về khoa học kỹ nên có làm mà không có thu, cuộc sống gia đình ông cứ luẩn quẩn trong vòng khó khăn, thiếu thốn… Quyết không đầu hàng khó khăn, ông Thười đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình để tìm hướng phát triển kinh tế; đồng thời động viên vợ con kiên trì bám trụ, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, hội thảo về khuyến nông do các cấp, các ngành địa phương tổ chức. Xác định được hướng làm ăn, sau một thời gian, gia đình ông Thười đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Đến nay, sau 30 năm lập nghiệp ở M’Đrắk, gia đình ông đã có 17 ha đất trồng mía, sắn, lúa và chăn nuôi gia cầm.
Không chỉ nỗ lực vượt khó nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Thười còn là một cựu chiến binh năng nổ tham gia các hoạt động xã hội. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội CCB xã Krông Á, ông đã tích cực vận động hội viên xây dựng nguồn quỹ giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ làm tốt công tác “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”, với tinh thần đồng chí, đồng đội, đến nay, Hội CCB xã Krông Á chỉ còn 37/113 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo; có 32 hộ khá, giàu, 95% hộ hội viên đạt gia đình văn hóa.
Mỹ Hằng - Bình Nguyên - Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc