Multimedia Đọc Báo in

Đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới

08:06, 15/09/2018

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, chính quyền, các tổ chức đoàn thể - xã hội và nhân dân huyện M’Đrắk đã chung sức, đồng lòng, lựa chọn cho mình cách làm phù hợp để chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Được chọn là xã điểm nông thôn mới của huyện M’Đrắk, sau hơn 6 năm triển khai, đến nay xã Ea Pil đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và đang nỗ lực để “về đích” vào năm 2020. Quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Ea Pil có sự đóng góp tích cực nguồn lực của nhân dân địa phương. Từ năm 2017 đến nay, nhân dân xã Ea Pil đã đóng góp được 320 triệu đồng để hỗ trợ đền bù đất quy hoạch nghĩa địa khu vực thôn 3; đóng góp tiền của, ngày công, máy móc để thi công công trình, bàn giao đưa vào sử dụng tuyến đường thôn 1 với tổng kinh phí 820 triệu đồng (trong đó, huyện hỗ trợ 600 triệu đồng, số còn lại do xã và nhân dân đóng góp); đã và đang triển khai tuyến đường thôn 2 đi thôn 13, triển khai làm tuyến đường từ thôn 14 đi thôn 5.

Ngoài ra, nhân dân các thôn 12, thôn 13 tự nguyện đóng góp tiền, tổ chức phóng tuyến làm được 4 km đường liên thôn với tổng kinh phí 38 triệu đồng; toàn xã làm mới 3 sân bóng chuyền bê tông số tiền 79 triệu đồng. Ông Vũ Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ea Pil, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Ea Pil khẳng định: “Chính sự đồng thuận của người dân là động lực để phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã ngày càng phát triển, góp phần đưa xã đạt 13/19 tiêu chí. Xã Ea Pil phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí về chợ, thu nhập và môi trường để đến năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Nông dân có diện tích canh tác trên cánh đồng Đoàn Kết hiến đất làm đường và kênh mương nội đồng.
Nông dân có diện tích canh tác trên cánh đồng Đoàn Kết hiến đất làm đường và kênh mương nội đồng.
Nhờ sự chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo của cán bộ, nhân dân huyện M’Đrắk, đến nay toàn huyện đã đạt 105/228 tiêu chí, đạt 46% (tăng 5 tiêu chí so với cuối năm 2017), bình quân 8,75 tiêu chí/xã; phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt 128/228 tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu như Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện M’Đrắk đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nêu cao vai trò gương mẫu trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi”, “Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới”…; vận động hội viên đi đầu trong việc đăng ký tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, vật cản để làm đường nông thôn mới; huy động các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện, cho hay: Cán bộ, hội viên CCB trong toàn huyện đã hiến hàng ngàn mét vuông đất và trên 1.200 ngày công, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cùng với địa phương làm mới và sửa chữa 4,2 km đường nông thôn mới, 3,5 km kênh mương nội đồng, sửa chữa 2 cầu dân sinh trị giá 25 triệu đồng ở xã Cư Króa và Cư San... Tiêu biểu như CCB Phan Văn Hào, Ngũ Văn Linh (Chi hội 3, xã Ea Lai) đã hiến 250 m2 đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn; CCB Tô Trung Cận (Chi hội thôn 12, xã Ea Pil) đóng góp 6,5 triệu đồng, hàng chục ngày công và xe tải chở cát đá không lấy phí vận chuyển để làm đường liên thôn; CCB Hoàng Văn Thụ (xã Ea Pil) hiến 256 m2 đất xây dựng hội trường làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cho nhân dân thôn 14…

Người dân xã Cư Mta tham gia làm sân hội trường thôn.
Người dân xã Cư Mta tham gia làm sân hội trường thôn.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện M’Đrắk, trong năm 2017, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện đã tự nguyện đóng góp được gần 1,4 tỷ đồng, 5.311 ngày công, hiến 5.400 m2 đất, nạo vét 14.200 m và đào đắp 1.500 m kênh mương, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, sửa chữa hội trường thôn, công trình thủy lợi, tu sửa đường giao thông, đường điện chiếu sáng, xây dựng cổng văn hóa, thu gom rác thải... Từ đầu năm 2018 đến nay, nhân dân các xã Ea Trang, Ea Riêng, Ea Lai, Cư Prao, Ea Hmlay, Cư San đã đóng góp 2.253 ngày công lao động, hiến 10.144 m2 đất và nhiều cây trồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tu sửa hội trường thôn, sửa chữa nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi...

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.