Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho vay theo Quyết định 68

09:15, 05/09/2018

Nhằm hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp nói riêng, cơ giới hóa ngành Nông nghiệp nói chung, Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực để đưa Quyết định này vào cuộc sống, nhưng kết quả còn hạn chế do có nhiều bất cập.

Theo Quyết định 68 và các thông tư hướng dẫn thi hành gần đây của các bộ, ngành liên quan đã gỡ bỏ rất nhiều bất cập của quyết định này lúc mới ban hành. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay bằng VNĐ để mua máy, thiết bị mới nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các loại máy, thiết bị được hỗ trợ vay mua không phân biệt sản xuất trong nước, hay nhập khẩu, nhưng phải mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ; các khoản vay sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Bà con nông dân tìm hiểu về máy móc, thiết bị nông nghiệp do Tập đoàn Yanmar sản xuất.
Bà con nông dân tìm hiểu về máy móc, thiết bị nông nghiệp do Tập đoàn Yanmar sản xuất.

Đặc biệt, một trong những quy định "mở" nhất hiện nay là thay vì người vay phải có tài sản bảo đảm thì có thể sử dụng máy móc vừa mua làm tài sản thế chấp. Đây là một trong những quy định phù hợp với thực tế và góp phần gỡ khó cho hầu hết nông dân có nhu cầu mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu hết nông dân hiện có tài sản bảo đảm chủ yếu là đất nông nghiệp có giá trị thấp, hơn nữa trong đó có nhiều diện tích chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên giá trị làm tài sản bảo đảm không đủ so với khoản vay. Ông Hoàng Văn Mạnh (thôn 6, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) cho biết, ông đã được Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk (Agribank Bắc Đăk Lăk) cho vay 500 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp. Nếu không được xem xét điều kiện vay với tài sản bảo đảm là chính chiếc máy gặt đập liên hợp đó thì gia đình ông khó được vay bởi tài sản bảo đảm khác của gia đình còn hạn chế. Tương tự, ông Nguyễn Cửu Long (thôn 5, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) cũng được Agribank Bắc Đăk Lăk cho vay 680 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp dù tài sản bảo đảm khác không đáng kể. Ông Long cho rằng, với điều kiện cho vay, chế độ ưu đãi về lãi suất như hiện nay, vốn vay theo Quyết định 68 sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân.

Sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa tại huyện Ea Súp.
Sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa tại huyện Ea Súp.

Một yếu tố quan trọng nữa được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy chương trình cho vay theo Quyết định 68 “trơn tru” hơn trong thời gian tới là việc Agribank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản). Sở dĩ nói việc ký kết thỏa thuận hợp tác này mang lại nhiều kỳ vọng là bởi lâu nay, quy định các loại máy, thiết bị được hỗ trợ vay mua không phân biệt sản xuất trong nước, hay nhập khẩu, nhưng phải mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì những quy định này lại trở thành “rào cản” nhất định trong quyết định cho vay của các ngân hàng. Thế nhưng, với bề dày lịch sử và uy tín trên thị trường, cùng với đó là danh mục máy móc phong phú của Tập đoàn Yanmar đã cơ bản đáp ứng tất cả điều kiện, danh mục cho vay theo Quyết định 68. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đông Phương Tokyo - đơn vị phân phối của Tập đoàn Yanmar tại Đắk Lắk, Đắk Nông cho biết, hiện nay các sản phẩm của Yanmar có thể đáp ứng được hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp và đều nằm trong danh mục hỗ trợ của Quyết định 68. Do đó, người nông dân có thể có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu sản xuất của mình. Cùng với đó, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do Yanmar Việt Nam phân phối còn được hỗ trợ gói bảo hiểm do Yanmar Việt Nam lựa chọn hợp tác với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) sẽ tạo thêm sự yên tâm nhất định cho người nông dân.

Với nỗ lực từ phía ngân hàng và các doanh nghiệp, hy vọng chủ trương cho vay theo Quyết định 68 sẽ phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới, góp phần giúp người nông dân có thêm kênh vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đại diện Agribank Bắc Đăk Lăk, ngoài quyền lợi được hưởng theo chương trình khuyến mãi của Yanmar Việt Nam, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do Yanmar Việt Nam phân phối vẫn được hưởng các quyền lợi theo chương trình hỗ trợ cho vay của Chính phủ mà Agribank đang triển khai (như chương trình cho vay của Agribank về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68, chương trình cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ...) nếu khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện của các chương trình hỗ trợ cho vay này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.