Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

08:20, 16/09/2018

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng việc triển khai các giải pháp hiệu quả, chương trình giảm nghèo ở huyện Cư Kuin đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người dân.

Nhiều hình thức hỗ trợ

Để giúp người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, hằng năm huyện Cư Kuin luôn chủ động điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân làm cơ sở để xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng. 

Nông dân xã  Hòa Hiệp thu hoạch lúa.
Nông dân xã Hòa Hiệp thu hoạch lúa.

Cuộc sống của gia đình ông Y Xer Hmok ở buôn Hra Ea Hning, xã Dray Bhăng đã có những đổi thay đáng kể sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng phát triển kinh tế. Từ số tiền này ông Y Xer đã đầu tư chăm sóc 3 sào cà phê xen tiêu. Không những vậy, năm 2017 gia đình ông còn được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Ông Y Xer phấn khởi nói: “Trước kia do thiếu vốn lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Nếu không có những sự hỗ trợ của Nhà nước không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo”.

 
“Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giảm nghèo không đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn phải bảo đảm để họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch…” 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin

Cùng chung niềm vui với gia đình ông Y Xer, nhiều hộ dân ở Cư Kuin cũng được hỗ trợ, giúp đỡ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo. Chị Hứa Thị Mai, người dân ở thôn 4, xã Cư Êwi cho biết, 3 năm có tên trong danh sách hộ nghèo, gia đình chị đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Năm 2016, gia đình chị được UBMTTQ huyện hỗ trợ một con bò trị giá 15 triệu đồng. Cùng với đó, chị còn được Hội Cựu chiến binh huyện đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triều đồng để phát triển kinh tế. Nhờ có vốn chăm sóc cây trồng, năng suất vườn tiêu ngày càng tăng, thu nhập của gia đình chị cũng dần ổn định. Từ một hộ nghèo, năm 2018 gia đình chị Mai đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Cư Kuin đã có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở bằng nguồn Quỹ Vì người nghèo và các nguồn khác; 610 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Huyện cũng tiến hành cấp hơn 36.000 thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; giới thiệu cho 315 lao động có việc làm mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời.

Đường giao thông nông thôn xã Dray Bhăng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.
Đường giao thông nông thôn xã Dray Bhăng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin, nhờ lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các chương trình của Chính phủ như: chương trình 30a, 134, 135..., huyện Cư Kuin đã thành công trong việc gắn công tác giảm nghèo với phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 9,33% năm 2016 xuống còn 6,99% năm 2017 (vượt 0,74% so với chỉ tiêu); thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng/năm. Diện mạo của các xã đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Nghị quyết của Đảng bộ huyện phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 3%. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới huyện sẽ tập trung triển khai công tác giảm nghèo vào những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao như Cư Êwi, Dray Bhăng… với quan điểm đúng trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh tuyên truyền giảm nghèo đa chiều bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tích cực hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với đào tạo nguồn nhân lực địa phương...

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.