Người tiêu dùng vẫn chưa hết dè dặt với xăng E5
Thực hiện lộ trình của Chính phủ về việc phân phối xăng sinh học E5, Đắk Lắk là một trong những địa phương sớm đưa vào phân phối loại nhiên liệu sinh học này. Đến nay dù đã không còn xa lạ, nhưng nhiều thông tin trái chiều về chất lượng xăng E5 khiến một bộ phận người tiêu dùng địa phương vẫn giữ tâm lý dè dặt trước khi quyết định chọn mua.
Kể từ cuối năm 2015, xăng E5 đã có mặt trên thị trường tỉnh. Qua gần 3 năm đưa vào phân phối loại nhiên liệu này, sản lượng bán ra tại nhiều đơn vị phân phối có tăng, nhưng vẫn chưa đạt cao. Theo Sở Công thương, 9 tháng năm 2018, sản lượng tiêu thụ xăng E5 của tỉnh đạt gần 36,5 triệu lít, chỉ chiếm 15% tổng lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn. Tính đến nay, trong tổng số 460 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong toàn tỉnh chỉ có 139 cửa hàng bán xăng E5.
Điểm bán xăng E5 tại cửa hàng số 3 của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa vào phân phối xăng E5 từ tháng 12-2015. Tính đến nay, công ty có 39/42 cửa hàng trên toàn tỉnh kinh doanh xăng E5. Trong 9 tháng năm 2018, sản lượng xăng E5 bán ra của các cửa hàng trên đạt hơn 16 triệu lít. Để kích cầu tiêu thụ xăng E5, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống webside, treo băng rôn thông báo, tư vấn trực tiếp với khách hàng về việc bán xăng E5 tại các cửa hàng trực thuộc. Với nỗ lực đó, sản lượng bán ra hằng năm có tăng, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tổng sản lượng xăng dầu bán ra của toàn hệ thống.
Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nam, theo ông Lý Văn Nam, Giám đốc công ty, đầu năm 2017 doanh nghiệp cũng thực hiện sức rửa bồn bể, cải tạo trụ bơm, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất khác để đưa vào phân phối xăng E5 theo chủ trương của Chính phủ. Dù đã nỗ lực tìm mọi cách để kích thích tiêu dùng xăng sinh học E5, nhưng sản lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt mức thấp.
Còn đối với Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3, nỗ lực đưa xăng E5 phổ biến đến người tiêu dùng địa phương của đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Anh Vương Quốc Việt, Cửa hàng trưởng Trạm xăng dầu số 48 trực thuộc Công ty cho hay, giữa hai loại xăng bán ra tại cửa hàng, hầu hết khách hàng vẫn chọn xăng truyền thống để sử dụng. Lượng khách hàng ổn định vẫn là “cánh” taxi, và rất ít phát sinh khách hàng mới.
Khách mua xăng E5 tại Trạm xăng dầu số 4 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột. |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhận thức của người dân về xăng E5 còn hạn chế. Vì chưa có cái nhìn đầy đủ, tích cực về loại nhiên liệu tốt cho môi trường này nên nhiều người còn tỏ ra hoài nghi, e dè và chưa dám sử dụng. Trên thực tế, vẫn còn nhiều thông tin trái chiều về chất lượng xăng E5 trong cộng đồng dân cư. Chị Ngô Thị Hương, người tiêu dùng phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, xăng E5 đã được bày bán tại một số trụ bơm ở trung tâm thành phố, nhưng thật sự chị chưa dám sử dụng cho xe máy của mình vì lo ảnh hưởng đến động cơ. Một nguyên nhân khác cũng khiến người tiêu dùng cân nhắc sử dụng xăng E5 là mức giá chênh lệnh giữa hai loại nhiên liệu đang bán ra trên thị trường là xăng A95 và E5 không cao, nên chưa đủ thuyết phục người mua “ngả” về phía xăng E5.
Tâm lý của người tiêu dùng vẫn là chuyện đã cũ gây trở ngại kể từ ngày đầu tiên xăng E5 phân phối trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm xăng E5 có mặt trên thị trường, vẫn chưa thể giải tỏa tâm lý lo ngại trên. Một thực tế phải nhìn nhận là lâu nay, công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu và phổ biến đến mọi địa phương của tỉnh khiến người tiêu dùng chưa đủ tự tin để xài xăng sinh học. Do đó, vấn đề cần làm nhất hiện nay là phải nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó, việc cung cấp lượng thông tin đủ để người tiêu dùng hiểu thấu đáo và tin tưởng rằng xăng E5 không nguy hại gì đến động cơ phương tiện đang sử dụng là vô cùng quan trọng, phải làm sao để người tiêu dùng hiểu rằng, xăng bán ra trên thị trường tỉnh bảo đảm quy trình kỹ thuật và trên hết, tác dụng bảo vệ môi trường sống mà xăng E5 mang lại là tích cực so với loại nhiên liệu truyền thống. Thêm vào đó, cần có cơ chế giá phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy người tiêu dùng “nghiêng” về phía nhiên liệu sinh học, thân thiện với môi trường này.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc