Diễn đàn doanh nghiệp
Muộn còn hơn không
Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 35/2018/TT-BCT ngày 12-10-2018 (Thông tư 35) quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Một trong những quy định đáng chú ý nhất của Thông tư này là thông tin hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý đối với hành vi VPHC hoặc có dấu hiệu VPHC về thị trường phải được bảo mật. Nói quy định này là một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Thông tư bởi hoạt động kiểm tra, xử lý đối với hành vi VPHC hoặc có dấu hiệu VPHC về thị trường là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với doanh nghiệp và thị trường.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra việc bày bán bánh trung thu tại một đại lý ở TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa) |
Mới đây nhất, chỉ qua đợt kiểm tra của lực lượng QLTT, Con Cưng - một doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra”, bỗng dưng lâm vào thế nguy khó, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Sự việc bắt đầu khi một khách hàng của Con Cưng phản ánh về một sản phẩm thời trang mà khách hàng mua của Con Cưng có dấu hiệu bị thay nhãn mác, từ đó đặt vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngay sau đó, Bộ Công thương chỉ đạo Cục QLTT kiểm tra toàn bộ các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Điều đáng nói là khi chưa có kết luận chính thức, một số cán bộ QLTT có trách nhiệm đã có những phát ngôn, cung cấp thông tin kiểu mập mờ khiến dư luận hiểu sai, phóng đại và dấy lên làn sóng chỉ trích Con Cưng. Sự chỉ trích của dư luận là điều dễ hiểu bởi vụ Con Cưng diễn ra ngay sau sự cố của Khaisilk không lâu; tuy nhiên đến khi có kết luận chính thức thì sự việc không phải như những gì dư luận được thông tin trước đó. Dù được minh oan không bán hàng giả, hàng lậu, song Con Cưng đã bị tổn thương nghiêm trọng. Với một doanh nghiệp sở hữu khoảng 330 cửa hàng trên toàn quốc, chuyên kinh doanh các sản phẩm dành riêng cho trẻ em và để có được “Thương hiệu Con Cưng” là cả một quá trình nỗ lực của doanh nghiệp. Thế nhưng chỉ vì những thông tin thiếu cân nhắc của một số cán bộ QLTT mà doanh nghiệp bị đẩy đến nguy cơ phá sản.
Sự việc Con Cưng không phải là trường hợp cá biệt, bởi trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu không thể trụ vững và bị xóa sổ khỏi thị trường khi bị rò rỉ thông tin nhạy cảm dù thông tin đó chưa được kiểm chứng. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay có thể thấy việc bảo mật thông tin trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính là hết sức cần thiết và phải được thực hiện một cách nghiêm túc để không chỉ không để xảy ra trường hợp tương tự như vụ Con Cưng mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Vì vậy việc Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 35 nói trên là hết sức cần thiết, dù có muộn vẫn còn hơn không.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc