Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay buôn Ea M'droh anh hùng

09:31, 30/04/2019

44 năm sau ngày giải phóng, cùng với sự trợ giúp của Đảng và Nhà nước, đồng bào buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đã đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân buôn Ea M'droh một lòng đi theo Đảng, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực cho cách mạng. Theo những người già ở đây thì buôn đã từng trải qua nỗi đau bởi sự hung tàn của kẻ thù khi thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, tài sản. Vì thế, buôn Ea M’droh còn có tên là buôn Cháy.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh buôn làng những ngày bị địch càn quét, đốt phá, dồn dân lập ấp vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân Ea M’droh. Bên hiên nhà dài, già Y Dơng Niê Kđăm (65 tuổi, dân tộc Êđê) hồi tưởng, cái ngày địch đến đốt buôn, già chỉ là đứa trẻ chưa lên 10. Hồi đó, thanh niên đều đi theo cách mạng, trong buôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Bọn giặc biết bà con Ea M’droh nuôi giấu cán bộ cách mạng đã vô cùng tức giận, chúng hung hăng đốt sạch buôn làng, bao nhiêu chiêng, ché, đồ đạc đều bị chúng đốt thành tro tàn. Chúng dồn người dân vào ấp chiến lược. Không chịu cảnh tù túng, bà con Ea M’droh trốn chạy vào rừng sinh sống.

 Người già, trẻ trong buôn  Ea M'droh ôn lại  hồi ức những ngày buôn  bị địch tàn phá.
Người già, trẻ trong buôn Ea M'droh ôn lại hồi ức những ngày buôn bị địch tàn phá.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà con buôn Ea M’droh trở về gây dựng cuộc sống mới trên đống tro tàn ngày nào. Ban đầu, cả buôn chỉ có hơn 30 nhà mái tranh, vách nứa xiêu vẹo, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Năm 1994, bộ đội địa phương cùng chính quyền xây dựng 66 ngôi nhà dài tặng bà con. Có được nơi ăn chốn ở ổn định, cộng với những chương trình khuyến nông do huyện, xã tổ chức, đồng bào từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu... thu nhập của bà con vì thế cũng được nâng lên nhiều.

Buôn Ea M'droh giờ đã có 257 hộ với 1.036 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo buôn trưởng Y Kang Niê Kđăm, so với những năm trước đây thì cuộc sống của buôn làng đã đổi thay rất nhiều, nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, điện, đường, trường, trạm đã về tận ngõ. Bà con trong buôn đã phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ đã tìm hướng phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi heo, gà, trồng bơ, sầu riêng xen trong vườn cà phê… cho thu nhập lên đến 300 - 400 triệu đồng/năm.

Kinh tế phát triển, bà con buôn Ea M’droh động viên con cháu chăm chỉ đến trường. Hiện tất cả trẻ em trong buôn đều đi học đúng tuổi, số con em học hết cấp 3 và học lên cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Đồng bào cũng chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với việc tôn tạo, gìn giữ những nếp nhà dài truyền thống, bà con còn tìm mua những bộ chiêng, bộ ché và lưu giữ vốn văn hóa của dân tộc mình. Anh Y Knap (dân tộc M’nông) và vợ là  cô gái Êđê ở buôn Ea M’droh ngoài làm rẫy còn có nghề làm rượu cần truyền thống của người Êđê. Hiện mỗi năm gia đình anh cung cấp ra thị trường các tỉnh khoảng 500 ché rượu cần thương hiệu "Rượu cần truyền thống Êđê Ea M’droh". Anh đang dự định mở rộng quy mô làm rượu cần và tìm thêm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm do mình làm ra.

Người già, trẻ trong buôn Ea M'droh ôn lại hồi ức những ngày buôn bị địch tàn phá.
Người già, trẻ trong buôn Ea M'droh ôn lại hồi ức những ngày buôn bị địch tàn phá.

Ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea M'droh cho biết, định hướng của xã trong thời gian tới là sẽ xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch cộng đồng. Đảng ủy và chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trước hết là về Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, tuyên truyền người dân đề cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện toàn buôn còn 59 hộ nghèo, xã đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ giúp buôn Ea M’droh không còn hộ thuộc diện nghèo.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.