Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) có 3.987 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn một nửa diện tích trồng cây hoa màu như: ngô, nghệ, đậu… sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả bấp bênh.
Để định hướng cho người dân phát triển nông nghiệp bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã Krông Búk đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và vốn cho người dân, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có hướng chuyển đổi tích cực, giúp nhiều người vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Vườn nhãn cho quả trái vụ của gia đình ông Nguyễn Hữu Nghị (thôn 7, xã Krông Búk). |
Trước đây, gia đình anh Phạm Đức Mạnh (thôn Đồi Đá) có 3 ha đất chủ yếu trồng lúa và hoa màu, nhưng do thời tiết khô hạn kéo dài, đất đai cằn cỗi, cây trồng kém phát triển và cho năng suất thấp. Tìm hiểu qua sách, báo, internet…, anh Mạnh nhận thấy loại cây ăn quả có múi rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Năm 2014, anh quyết định trồng 1.400 cây quýt đường; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn quýt của gia đình phát triển xanh tốt. Năm đầu tiên thu bói được hơn 30 tấn quả, với giá bán 15 - 20 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ngoài quýt, anh còn trồng thử nghiệm thêm 500 cây táo xanh, nhãn và sầu riêng ghép, dự kiến trong thời gian tới mô hình cây ăn trái này sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Tận dụng 1 sào đất vườn quanh nhà, gia đình ông Nguyễn Hữu Nghị (thôn 7) đã trồng nhãn Hương Chi và nhãn lồng Hưng Yên cho quả trái vụ, chất lượng quả ngọt, cùi dày, được khách hàng rất ưa chuộng. Với giá bán từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi 130 triệu đồng. Ông Nghị cho biết, cây nhãn là loại cây dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, nhưng để nhãn ra quả trái vụ đòi hỏi người trồng có kỹ thuật cao, các công đoạn cắt tỉa, bón phân, tưới nước phải thường xuyên, đúng thời điểm để cây cho trái vụ như mong muốn của người trồng.
Vườn quýt đường của gia đình anh Phạm Đức Mạnh (thôn Đồi Đá, xã Krông Búk). |
Ngoài việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao, xã Krông Búk còn chú trọng chuyển đổi vật nuôi. Xã vừa thành lập tổ hợp tác nuôi cá gồm 20 thành viên với diện tích nuôi 10.000 m2 mặt nước và tổ hợp tác nuôi gà gồm 7 thành viên, với số lượng nuôi từ 1.000 - 3.000 con gà. Hiện tại, các mô hình này đang phát triển tốt và đạt hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình nuôi cá của ông Hồ Ngọc Hùng (tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cá). Nhận thấy người dân nuôi cá trên đập Krông Búk Hạ nhiều lần thất bại, lồng cá bị bỏ hoang lâu năm, ông Hùng đã quyết tâm mày mò, tìm hiểu mô hình nuôi cá nước ngọt ở huyện Krông Ana và học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 2015, ông đầu tư 180 triệu đồng để làm lồng nuôi cá rô phi và liên kết với Công ty TNHH thủy sản Hải Long Nha Trang để được bao tiêu sản phẩm, cung cấp cá giống và hỗ trợ kỹ thuật. Đến nay, gia đình ông đã có 4 lồng cá với diện tích 1.100 m2 mặt nước, trung bình mỗi năm ông thu được 115 tấn cá thịt. Với giá bán 34-38 nghìn đồng/kg, ông thu lợi nhuận 320 triệu đồng/năm.
Ông Hùng chia sẻ, để cá phát triển tốt, đạt trọng lượng cao thì phải mua cá giống khỏe mạnh tại các đơn vị uy tín, khi vận chuyển xa tránh để cá bị xây xát, trầy xước khiến cá dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, cần xử lý tốt các khâu vệ sinh lồng, sát trùng cho cá, quan sát thời tiết để kịp thời phòng bệnh. Ngoài nuôi cá, gia đình ông Hùng còn có gần 3 sào cà phê xen bơ Booth, sầu riêng; một trang trại nuôi 20 con heo nái và 1.000 con gà, nhờ đó không chỉ giúp gia đình ông có kinh tế khá giả mà còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ.
Ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk cho biết, xã xác định cây cà phê là cây trồng bền vững, khuyến khích người dân trồng xen canh cây ăn trái có giá trị để thu lại lợi nhuận cao trên một diện tích. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả và đặc biệt tập trung hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc