Hiệu quả từ các mô hình phụ nữ liên kết sản xuất ở Cư M'gar
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M'gar đã chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Tháng 8-2018, Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul được thành lập với 10 thành viên là các hội viên phụ nữ dân tộc Êđê có nghề dệt thổ cẩm tại địa phương. Tổ hợp tác chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê như túi xách, ví, khăn, áo váy nam nữ…
Chị H’Hương Niê, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul, thành viên của Tổ hợp tác cho hay, tham gia Tổ hợp tác, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, từ đó làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tổ hợp tác cũng tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm ở các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa bàn huyện. Bình quân mỗi tháng Tổ hợp tác bán được 150 - 200 sản phẩm, giúp các thành viên có thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động địa phương. Điều đáng mừng là sau gần một năm thành lập, 6/10 thành viên Tổ hợp tác đã vươn lên thoát nghèo, dần ổn định kinh tế. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê nhờ đó được duy trì, phát triển.
Chị H’Hương Niê (thành viên Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul) đang giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm. |
Nghề trồng rau tại thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) đã có từ lâu, tuy nhiên các hộ đều sản xuất tự phát, nhỏ lẻ nên đầu ra không ổn định. Sau khi tham gia lớp học khởi sự hợp tác xã, với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, tháng 7-2018, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thị trấn Ea Pốk được thành lập với 11 thành viên. Sản phẩm được Tổ hợp tác kết nối tới các chợ đầu mối, hợp tác xã dịch vụ kinh doanh, các trường mầm non trên địa bàn huyện. Mô hình liên kết đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và là cầu nối cung ứng cho thị trường nguồn rau sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Khánh, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: “Gia đình tôi trồng rau đã 10 năm nay nhưng trước đây sản phẩm thu hoạch phải tự mang đến các điểm chợ chào hàng. Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên bảo đảm trồng rau theo quy trình rau an toàn nên đã tạo được thương hiệu, đầu ra được bao tiêu ổn định. Với 3 sào rau các loại, gia đình tôi thu được lợi nhuận 6 - 7 triệu đồng/tháng”.
Mô hình rau an toàn của chị Nguyễn Thị Khánh (thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thị trấn Ea Pốk). |
Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M'gar cho biết, với sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, việc thành lập các tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do hội viên phụ nữ làm chủ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình liên kết giúp chị em chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng được nguồn hàng số lượng lớn, chất lượng bảo đảm nên việc tiêu thụ dễ dàng. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đến các cấp hội, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế… góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội LHPN huyện Cư M'gar huy động nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt 1,3 tỷ đồng cho 101 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ thành lập 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác liên kết sản xuất. |
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc