Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui trên "cánh đồng 755"

06:19, 25/05/2019

Thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, cuối năm 2016, UBND xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đã khảo sát, đánh giá và đầu tư cải tạo quỹ đất tại buôn Đăk Rơ Leang 2 để giải quyết đất sản xuất cho 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất trên địa bàn.

Theo đó, UBND xã sử dụng 10 ha đất bỏ hoang (thuộc quyền quản lý của UBND xã) và vận động 7 hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu vực cánh đồng bỏ hoang ở buôn Đăk Rơ Leang 2 (7,2 ha) giao lại đất để san ủi thành cánh đồng lúa nước hai vụ. Để có sự đồng thuận của 7 hộ dân trên, UBND xã đưa ra phương án sẽ đền bù cho các hộ này 50% diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận trước đó.

Năm 2017, khi có được sự đồng thuận của người dân địa phương, công trình san ủi, phục hóa xây dựng cánh đồng đi vào thi công. Đất khai hoang đa phần là vùng nguyên liệu sản xuất gạch của HTX Công nghiệp Ea Uy được UBND tỉnh cho phép khai thác để hạ thấp mặt bằng làm ruộng sản xuất lúa. Ông Y Khoa Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết, sau khi khai thác sét, cây mai dương mọc dày đặc trên các bãi đất trống, xen kẽ là những hố sâu, trong đó có những hố sâu gần 5 m nên tiến độ khai hoang chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với phương châm "chậm mà chắc" nên hệ thống kênh mương tưới, tiêu nước và đường nội đồng vẫn được thực hiện đúng theo quy hoạch để bảo đảm thuận lợi nhất cho việc cơ giới hóa sản xuất trên cánh đồng.

Người dân Ea Uy làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu 2019 trên cánh đồng 755.
Người dân Ea Uy làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu 2019 trên cánh đồng 755.

Tháng 4-2018 công trình hoàn thành với tổng diện tích 17,2 ha mang tên "cánh đồng 755". Trừ diện tích bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường nội đồng thì tổng diện tích sản xuất còn 15 ha. Sau khi thực hiện đền bù cho các hộ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thỏa thuận trước đó (3 ha) thì diện tích sản xuất trên cánh đồng còn 12 ha. UBND xã đã chia đều và cấp 12 ha còn lại cho 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất ở 5 buôn là buôn Hằng 1A, Hằng 1B, Hằng 1C, Đăk Rơ Leang 1, Đăk Rơ Leang 2.

Là một trong những hộ dân được cấp đất sản xuất tại "cánh đồng 755", ông Xuân - dân tộc Xê Đăng ở buôn Đăk Rơ Leang 2 vui mừng cho hay, gia đình ông có 5 người nhưng chỉ có 3 sào đất gồm đất ở và đất sản xuất nên cuộc sống gia đình rất bấp bênh, thường xuyên phải làm thuê theo mùa, ai thuê gì làm nấy. Do đó, khi được cấp 1,2 sào ruộng tại "cánh đồng 755", gia đình tập trung cày bừa đất kỹ để xuống giống lúa Khang dân cho vụ hè thu 2018 và thu về khoảng 4,5 tạ lúa. Vụ đông xuân 2018-2019 ruộng thuần hơn, việc làm đất khá thuận lợi, công tác chăm sóc, bón phân được thực hiện đúng kỹ thuật nên lúa sinh trưởng tốt, năng suất ước đạt 7 tạ/sào. Đặc biệt, ruộng được quy hoạch với các công trình đi kèm như đường nội đồng, kênh mương tưới, tiêu nước nên việc làm đất bằng máy, thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hoàn rất thuận lợi.

Ông Huyền (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm tích trữ lúa thu hoạch từ vụ đông xuân 2018-2019.
Ông Huyền (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm tích trữ lúa thu hoạch từ vụ đông xuân 2018-2019.

Tương tự, ông Huyền ở buôn Hằng 1C chia sẻ, gia đình ông có 6 miệng ăn nhưng chỉ có khoảng 5 sào đất ruộng, rẫy và đất ở. Vụ hè thu 2018 ông tiếp nhận 1,2 sào ruộng được cấp tại "cánh đồng 755" nhưng chưa sản xuất ngay mà tập trung san mặt bằng, cày ải, xử lý đất. Nhờ làm đất kỹ nên mặt ruộng phẳng, nước cấp đều trên ruộng giúp lúa sinh trưởng đồng đều, vụ đông xuân 2018-2019 thu về khoảng 7 tạ lúa. Số lúa này không chỉ góp phần giúp gia đình ông đủ gạo ăn quanh năm mà còn dôi dư chút ít bán lấy tiền sửa chữa máy móc, mua phân bón.

Vì là đồng mới nên song hành với việc hướng dẫn người dân nhận ruộng để sản xuất, UBND xã Ea Uy còn xây dựng kế hoạch sản xuất lúa theo từng mùa vụ bao gồm lịch điều tiết nước; khuyến cáo người dân lựa chọn giống trung ngày (105 ngày) theo đặc thù điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương như lúa HT1, Khang dân, IR64; hướng dẫn kế hoạch chăm sóc, phòng chống dịch bệnh theo từng đợt… Nhờ đó, năng suất lúa bình quân tăng từ 4,5 tấn/ha vụ hè thu 2018 lên hơn 5 tấn/ha vào vụ đông xuân 2018-2019.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.