Trồng sả lấy tinh dầu - Mô hình liên kết phát triển kinh tế hiệu quả
Nhiều hộ dân ở xã vùng sâu Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã mạnh dạn liên kết thành lập hợp tác xã tinh dầu sả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.
Năm 2015, được biết ở xã Ea Tir, huyện Ea H’leo có mô hình trồng sả mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà Vy Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ya Tờ Mốt cùng với bà Hà Thị Khăm và ông Hà Ngọc Tân cất công sang tận nơi học hỏi và mua 6 tạ giống về trồng thử nghiệm. Nhận thấy cây sả dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với thổ nhưỡng nên giữa năm 2016, bà Mai nhân rộng ra 3 ha và vận động bà Khăm cùng góp vốn đầu tư xây dựng lò nấu tinh dầu sả với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Mỗi mẻ, lò nấu được từ 7 tạ đến 1 tấn lá sả, cho thu từ 8 - 12 kg tinh dầu, bán với giá trung bình 250.000 đồng/kg.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp tìm hiểu việc trồng, thu hoạch sả nguyên liệu của Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt. |
Nhận thấy trồng sả có thể giúp người dân địa phương “xóa đói giảm nghèo”, cùng với sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, tháng 5-2018, bà Mai đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt với 9 thành viên, vốn điều lệ 280 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm cho các thành viên, Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt còn cung ứng giống và hỗ trợ kỹ thuật cho các nông hộ trong và ngoài xã trồng sả, nhận ép tinh dầu và thu mua sản phẩm cho nông dân. Hợp tác xã cũng tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Bà Vy Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt
|
Với vai trò Giám đốc hợp tác xã, bà Mai đã đứng ra vận hành lò nấu tinh dầu sả, đồng thời cung cấp giống cho các thành viên nhân rộng diện tích trồng sả của hợp tác xã lên 40 ha. Bà Mai cho biết, nếu trồng và chăm sóc tốt, tưới nước đầy đủ thì sau 3 tháng sả sẽ cho thu hoạch và thu được trong 3 năm. Mỗi năm, 1 ha sả sẽ cho thu hoạch khoảng 6 đợt, năng suất đạt 3 - 4 tấn/đợt, ép được khoảng 35 kg tinh dầu. Với giá bán trung bình hiện nay là 400.000 đồng/kg tinh dầu, mỗi năm 1 ha sả cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 3 lần trồng lúa.
Tuy việc thành lập hợp tác xã đã mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế, nhưng để mở rộng quy mô sản xuất thì hợp tác xã vẫn chưa chủ động được nguồn vốn. Bà Vy Thị Mai trăn trở: “Hiện nay nhu cầu của thị trường về tinh dầu sả lớn, trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với cây trồng này, nguồn lao động cũng dồi dào. Nhưng để có thể mở rộng quy mô, hợp tác xã cần số vốn khoảng 500 – 600 triệu đồng. Chúng tôi mong muốn được UBND huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị... để các thành viên mở rộng sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.
Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động nữ của địa phương. |
Ông Trần Quang Trịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt đã trồng được khoảng 60 ha cây sả lấy tinh dầu. Đây là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân xã vùng sâu này. UBND huyện sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho hợp tác xã mua máy móc, mở rộng sản xuất, liên kết với các hộ dân để phát triển cây sả theo chuỗi giá trị gia tăng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc