Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khó xử lý, vì sao?
Tình hình gian lận, vi phạm về nhãn hiệu, nhãn hàng hóa trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm về nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, trong khi đó việc xử lý gặp không ít khó khăn.
9 tháng của năm 2019, riêng Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 10 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng như: đồng hồ, mũ bảo hiểm, rượu, dược mỹ phẩm, đặc biệt là thuốc cổ truyền với sản phẩm AMAKONG, một nhãn hiệu tên tuổi của địa phương. Cục đã tiến hành xử phạt hành chính gần 450 triệu đồng, tịch thu nhiều loại hàng hóa gồm 300 chiếc mũ bảo hiểm Nón Sơn, 3.500 gói bột ngọt SAIGON VE WONG, 2.678 sản phẩm kính mắt các loại, hơn 200 gói dược liệu, thuốc y học cổ truyền...
Theo Cục QLTT, qua quá trình làm việc, Cục phát hiện và nghi ngờ rất nhiều sản phẩm bị làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, số vụ việc được xử lý vẫn chưa thể nói hết được thực trạng vi phạm ở lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh hiện nay. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, Cục thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm, một mặt vào cuộc quyết liệt kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại các đại lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu công nghiệp.
Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 của tỉnh tiến hành kiểm tra việc bày bán thuốc AMAKONG trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Tuy nhiên, cũng theo Cục QLTT, từ nhiều năm nay, sai phạm ở lĩnh vực này vẫn luôn nhức nhối bởi công tác phòng, chống, kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là phương thức, thủ đoạn làm hàng giả, nhái của gian thương rất tinh vi và đa dạng, thậm chí có sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao để làm ra hàng giả, nhái giống đến gần như y đúc hàng thật.
Trong khi đó, để xác định hàng giả, kém chất lượng hay không thì phải liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có kiểm định, đối chứng và buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Để làm được điều này thì cần nhiều thời gian, công sức, quan trọng hơn, cơ quan chức năng rất cần sự tham gia của bản thân doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm. Như gần đây, vụ bắt giữ nhiều gói thuốc xâm phạm nhãn hiệu AMAKONG, hay vụ tịch thu 304 chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 74,2 triệu đồng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu cao cấp như: Rolex, Chanel, Rado, Omega là ví dụ điển hình. Nếu như không có hàng thật để đối chứng và không có sự bắt tay của doanh nghiệp thì Cục QLTT cũng rất khó để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hai nhóm hàng này. Tuy nhiên số doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng không nhiều.
Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này chưa thống nhất, chồng chéo, trùng lặp... tạo ra nhiều kẽ hở gây khó khăn, lúng túng cho việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng. Chẳng hạn, một số văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm hàng giả, có những điểm trùng với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp…
Cơ quan chức năng tịch thu số lượng lớn hàng xâm phạm nhãn hiệu AMAKONG đã được đăng ký bảo hộ. |
Ở góc độ kinh tế, chế tài xử phạt ở lĩnh vực này vẫn chưa đủ sức răn đe. Mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 500 triệu đồng, trong khi lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại quá lớn. Trong số các vụ việc được phát hiện trên địa bàn trong thời gian qua, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, ít vụ việc khởi tố hình sự nên gian thương “lờn thuốc”. Điều đáng nói hơn là đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm bị xâm hại, chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát... Chính điều này khiến vi phạm vẫn cứ tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch tại địa phương.
Từ những hạn chế trên, để đẩy lùi hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Cục QLTT tỉnh kiến nghị cần tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này; đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để có sức răn đe các hành vi vi phạm. Quan trọng hơn, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp phải đồng hành, tuyệt đối không che giấu thông tin hàng hóa của mình bị làm giả mà nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, nhái. Mặt khác, đẩy mạnh cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết và nhận diện thương hiệu, phân biệt hàng hóa chính hãng do mình làm ra.
Theo Cục QLTT tỉnh, các vi phạm diễn ra nhiều nhất là vi phạm về quyền tác giả và các quyền liên quan; vi phạm sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; trong đó, vi phạm các quy định về nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chiếm phần lớn. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc