WeGAP, bạn của người trồng cà phê
Nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong canh tác cà phê, năm 2017, Văn phòng đại diện Embden, Drishaus & Epping Consulting GmbH châu Á Thái Bình Dương (EDE Consulting) tại Đắk Lắk phối hợp với các chuyên gia công nghệ thông tin, nông nghiệp xây dựng ứng dụng WeGAP cho điện thoại thông minh.
WeGAP là một trong những sản phẩm được khởi tạo từ Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” (Dự án) do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Công ty Nestle toàn cầu tài trợ, Quỹ Neumann (HRNS/EDE Consulting) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên 5 năm (2015-2019). Ứng dụng WeGAP được tích hợp giữa cẩm nang thực hành canh tác cà phê được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2005 và dự báo thời tiết. Năm 2018, ứng dụng chính thức được đưa vào sử dụng.
Người dân huyện Krông Búk tham gia lớp tập huấn về học phần nước tưới. |
Để sử dụng ứng dụng WeGAP miễn phí, người dân chỉ việc vào Apple store hoặc Google play store tải về và sử dụng như những ứng dụng thông thường khác. Khi có nhu cầu nắm bắt tình hình thời tiết tại khu vực mình sinh sống, người dân chỉ cần mở GPS trên điện thoại, sau đó vào ứng dụng chọn biểu tượng đám mây với dòng chữ “thời tiết” phía dưới.
Ở phần sổ tay có 10 học phần từ giống đến thời tiết và cách quản lý vườn cây. Cụ thể là học phần nhân giống vô tính và quản lý vườn ươm; quản lý đất trồng; quản lý phân bón, các loại phân hữu cơ; tưới nước; tạo hình, cưa đốn và cải tạo; quản lý sâu bệnh hại; thu hoạch, chế biến và bảo quản; nhật ký nông hộ; cà phê và khí hậu. Ngoài ra, trong mỗi học phần còn có nội dung câu hỏi và bài tập thực hành để người dân nhớ bài và áp dụng thực tế một cách hiệu quả nhất. Các bài học được trình bày tích hợp nhưng ngắn gọn kết hợp với hình ảnh minh họa, sơ đồ, biểu đồ nên nông dân dễ đọc, hiểu và ghi nhớ…
Ứng dụng WeGAP trên Google play được chụp qua màn hình điện thoại. |
Ứng dụng WeGAP được xây dựng với mục tiêu tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm thời tiết hỗ trợ tối ưu hóa quản lý vườn cà phê được thực hiện bởi Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội. |
Ông Hoàng Mạnh Thu, thôn Ea Krôm, xã Cư Né (Krông Búk) cho biết, gia đình ông có 3 ha cà phê xen canh các loại cây ăn quả. Năm 2016, ông bắt đầu tham gia Dự án với mục tiêu sản xuất cà phê với lượng nước ít hơn. Đến năm 2018, khi ứng dụng WeGAP được số hóa trên điện thoại di động thông minh ông tiếp tục tập huấn cách tải về và cách sử dụng ứng dụng.
Trong nhóm nông hộ ông tham gia, có những người sử dụng ngay khi tiếp cận nhưng cũng có người không sử dụng. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng WeGAP nhiều hơn và đều tâm đắc, ủng hộ ứng dụng này bởi họ có thể nắm bắt tình hình thời tiết trên địa bàn bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các bài học về các học phần giúp ông hiểu hơn về nhu cầu dinh dưỡng, nước tưới, chăm sóc của cây cà phê từ đó thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất cà phê nhiều hơn với chi phí thấp hơn dựa vào việc quản lý vườn cây hợp lý. Đơn cử, học phần quản lý phân bón giúp ông thay đổi tổng, liều lượng và phương pháp bón phân từ 15 bao phân bón tổng hợp/ha/năm xuống còn 10 bao/ha/năm; số lần bón phân nhiều hơn theo tiến độ sinh trưởng của cây nhưng lượng lại giảm so với trước. Riêng vấn đề dự báo thời tiết tuy chưa chính xác như mong muốn nhưng đã hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng kế hoạch trong ngày, lên lịch thăm vườn, chăm sóc vườn cây.
Người dân xã Cư Né chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cà phê. |
Còn chị H’Glen Niê, buôn Mùi 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) có 2,2 ha cà phê xen canh được trồng từ năm 2005 cho hay, năm 2015 chị bắt đầu tham gia vào chuỗi khảo sát và thực hiện Dự án. Từ một nông dân sản xuất bình thường, chị được lựa chọn để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về kỹ thuật canh tác cà phê; kỹ năng mềm truyền thông và trở thành tư vấn viên địa bàn của Dự án.
Hiện tại, chị tham gia hướng dẫn 370 hộ tại 4 buôn gồm buôn Mùi 1, 2, 3 và buôn Ea Vin, xã Cư Né. Ứng dụng WeGAP đã giúp chị ghi nhớ kiến thức nên công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương khá thuận lợi. Người trồng cà phê dần thay đổi tập quán canh tác theo hướng hiện đại, khoa học hơn như: khi kiểm tra thấy vườn cây có sâu bệnh, nông dân sẽ tham khảo tư liệu ở mục quản lý sâu bệnh hại và sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết với loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng; làm cỏ bằng máy; cắt tỉa cành sau khi thu hoạch chứ không chờ mưa mới làm để hạn chế sự xâm nhiễm của mầm bệnh…
Ông Mai Xuân Thông, cán bộ Văn phòng đại diện EDE Consulting tại Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 89.000 nông hộ trồng cà phê trên cả nước được tiếp cận ứng dụng với hơn 300.000 lượt người tham gia. Hiện tại, ứng dụng này đã được Trung tâm Khuyến Nông quốc gia tiếp nhận và quản lý.
Nguyên Hương
Ý kiến bạn đọc