Multimedia Đọc Báo in

Sức dân trên chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới

08:55, 19/11/2019

UBND tỉnh vừa tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020. Qua đó, ghi nhận, biểu dương sự đóng góp rất lớn về công sức, tiền mặt của cộng đồng dân cư tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM 10 năm qua là 140.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 3.500 tỷ đồng. Nổi bật là phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011 – 2020, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn của cộng đồng dân cư.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến 650.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng, đóng góp 817 tỷ đồng và 89.000 ngày công lao động. Điển hình như hộ bà Đàm Thị Thơi, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) hiến hơn 1.000 m2 đất; hộ ông Lê Ngọc Tuấn, xã Ea Păl (huyện Ea Kar) hiến 2.000 m2 đất; hộ bà Nguyễn Thị Hương, xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar) hiến 1.000 m2 đất… để mở đường, xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, giai đoạn này tỉnh có 7 xã đạt chuẩn NTM gồm: Ea Kao, Hòa Thuận, Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), Ea Kly, Hòa Đông (huyện Krông Pắc) và xã Quảng Điền (huyện Krông Ana).

Đường liên thôn tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) sạch đẹp nhờ một phần đóng góp của người dân.
Đường liên thôn tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) sạch đẹp nhờ một phần đóng góp của người dân.

Giai đoạn 2016 – 2020, phong trào xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp, với sự đóng góp rất lớn của người dân. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Hạnh ở thôn 3, xã Hòa An (huyện Krông Pắc) đã đóng góp 50 triệu đồng để địa phương làm đường giao thông, hiến 300 m2 đất (trị giá khoảng 300 triệu đồng) và 15 triệu đồng tiền mặt để xây dựng hội trường thôn 3; hộ ông Phạm Văn Vở, thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) hiến 5.000 m2 đất để làm đường giao thông, ông còn chủ động phối hợp với ban tự quản thôn tuyên truyền, vận động các hộ dân khác cùng tham gia hiến đất, đóng góp được 475 triệu đồng để bê tông 1 km đường nội thôn.

Còn tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) năm 2016 – 2017, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa mạnh tại các thôn. Điển hình như hộ ông Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2 đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất để bê tông hóa đường liên thôn Liên Kết 2 – Hưng Giang. Được biết, trước đây cứ vào mùa mưa tuyến đường này thường bị ngập lụt, sình lầy, việc đi lại của bà con rất khó khăn. Khi có chủ trương làm đường, gia đình ông Long và nhiều hộ dân sống dọc tuyến đều tự nguyện hiến đất. Nay gần 4 năm con đường được nâng cao lên, bê tông chắc chắn, việc đi lại của người dân địa phương được bảo đảm, bộ mặt nông thôn nhờ đó cũng thay đổi.

Người dân xã Ea Toh (huyện Krông Năng) tham gia làm đường giao thông.
Người dân xã Ea Toh (huyện Krông Năng) tham gia làm đường giao thông.

Kết quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa, thay đổi diện mạo các vùng quê. Đặc biệt, qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Qua đó, tự nguyện hiến đất, góp tiền, tham gia ngày công để xây dựng các công trình công cộng tại địa phương.

Giai đoạn 2010 – 2020, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp trong các cấp, ngành, địa phương và tại các khu dân cư. Nhờ đó, một số tiêu chí đạt kết quả cao như: tiêu chí số 4 về điện nông thôn có 124/152 xã đạt; tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông có 147/152 xã đạt; tiêu chí số 10 về lao động có việc làm có 150/152 xã đạt…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.