Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên: Độc đáo nhưng chưa được như kỳ vọng

09:17, 03/12/2019

Với mục tiêu quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển các sản phẩm tiêu biểu của các vùng miền, Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên đã nhận được nhiều quan tâm, kỳ vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “hạt sạn” khiến hiệu quả truyền thông, kinh doanh, tiếp cận khách hàng... bị hạn chế.

Nhiều sản phẩm mới lạ, đặc thù

Ghi nhận tại hội chợ lần này, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk tạo ấn tượng tốt với khách hàng nhờ chủng loại đa dạng, khai thác tốt lợi thế của địa phương, gồm nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống và sản phẩm khô, sản phẩm đã qua chế biến. Nhiều khách hàng đến đây chọn đặc sản để sử dụng và làm quà biếu có chung nhận xét là các sản phẩm tại hội chợ có chất lượng tốt, tính tin cậy cao nhờ khách hàng được gặp gỡ trực tiếp với người sản xuất, được tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ cùng các tính năng của sản phẩm;  mẫu mã các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng và tiện sử dụng.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm rau, quả tươi của Ban Mê Green Farm tại hội chợ.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm rau, quả tươi của Ban Mê Green Farm tại hội chợ.

Gian hàng rau thủy canh của Công ty TNHH Ban Mê GreenFarm là một trong những gian hàng thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng tại hội chợ với doanh số bán hàng bình quân đạt khoảng 6 – 7 triệu đồng/ngày. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc công ty cho biết, đơn vị tự thiết kế, trang trí quầy bằng chính hệ thống thủy canh có sẵn các loại rau xanh như cà chua Nova, xà lách, cải ngọt, cải đuôi phụng… Khách đến hội chợ được trực tiếp ăn thử cà chua và trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp công nghệ cao của đơn vị đều có những phản hồi rất tích cực.

Tham gia hội chợ, các đơn vị tỉnh bạn cũng chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều sản phẩm đặc thù của địa phương, nhiều hương vị mới lạ, độc đáo. Tại gian hàng tỉnh Phú Yên, Cơ sở chế biến thực phẩm Thiên Định mang đến hội chợ 6 mặt hàng gà, vịt chế biến sẵn bằng các phương pháp: nướng, hấp, tẩm gia vị. Vì đây là các sản phẩm mới nên đơn vị xác định mục tiêu chính khi tham gia hội chợ là giới thiệu, quảng bá đến khách hàng cũng như ghi nhận phản hồi, đóng góp để tiếp tục đa dạng hóa các hình thức chế biến.

Gian hàng của tỉnh Lâm Đồng có 7 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với gần 100 mặt hàng cà phê, trà, trái cây sấy… Dù có tính tương đồng với sản phẩm các tỉnh vùng Tây Nguyên nhưng các sản phẩm của Lâm Đồng vẫn ghi dấu ấn riêng với khách hàng nhờ những đặc trưng hương vị và hình thức sản phẩm. Riêng các sản phẩm đặc thù như Atisô, hồng sấy khá đắt hàng, nhiều người xin thông tin để đặt mua sỉ phục vụ thị trường Tết.

Còn  “hạt sạn” trong khâu tổ chức

Mặc dù hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt, song lượt khách đến hội chợ không cao, ngay cả những ngày cuối tuần. Nguyên nhân chính là thời điểm tổ chức hội chợ vào giữa vụ thu hoạch cà phê khiến người dân, nhất là nông dân tại các huyện khó đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết cũng diễn biến khá bất lợi trong những ngày diễn ra hội chợ. Mưa cùng gió mạnh làm ảnh hưởng đến việc trưng bày hàng hóa của các đơn vị cũng như việc di chuyển của khách tham quan bên trong và bên ngoài hội chợ, khiến cảnh quan chung nhiều lúc trở nên bụi bặm, nhếch nhác.

Khách hàng tham quan, tìm hiểu các sản phẩm tại gian hàng trưng bày của huyện Cư Kuin.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu các sản phẩm tại gian hàng trưng bày của huyện Cư Kuin.

Anh Nguyễn Pho, Giám đốc HTX nấm Tâm Đức bày tỏ, Ban tổ chức chỉ bố trí cho mỗi đơn vị một bàn sắt và 2 ghế nhựa. Vì hàng hóa là các bình rượu thủy tinh có trọng lượng nặng, dễ đổ vỡ nên anh không thể trưng bày trên chiếc bàn này mà phải xoay xở thêm một tấm ván ép rồi tìm khăn bàn trải lên để đảm bảo thẩm mỹ. Đại diện gian hàng của tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng cơ sở vật chất mà Ban tổ chức bố trí cho các đơn vị rất sơ sài, bàn trưng bày ít và không vững chãi. Các sự cố do mưa, gió, đơn vị phải tự tìm cách khắc phục mà không nhận được hỗ trợ từ ban tổ chức.

Bên cạnh đó, việc đơn vị tổ chức thu vé 15.000 đồng/người vào buổi tối cũng tác động không nhỏ đến tâm lý khách tham quan, làm hạn chế lượng khách đến hội chợ. Anh Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX Nhật Minh cho biết, với đặc thù của các sản phẩm OCOP, khách tham quan hướng đến mục tiêu đi “chợ” nhiều hơn nhu cầu thưởng thức văn nghệ, giải trí. Vì vậy, Ban tổ chức nên thiết kế chương trình phù hợp và miễn phí vé vào cổng để có thêm nhiều người được trải nghiệm, tìm hiểu hàng hóa của các gian hàng.

Do lượng khách ít và khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, nhiều đơn vị đã rút hàng hóa trưng bày khỏi hội chợ chỉ sau 1 - 2 ngày đầu. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của các đơn vị tham gia hội chợ cũng như hiệu quả truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Đây là những bài học thực tiễn mà đơn vị tổ chức cần ghi nhận và khắc phục để các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP đạt được mục tiêu đề ra cũng như kỳ vọng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Minh Thuận - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.