Hướng xây dựng thương hiệu cho trái cây Buôn Đôn
Để nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời tạo sự liên kết với thị trường, thời gian qua huyện Buôn Đôn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cho nông dân hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây trên địa bàn.
Liên kết sản xuất
Thay vì mỗi nhà trồng một loại cây và tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình như trước kia thì những năm gần đây nhiều nông dân ở thôn 9, xã Tân Hòa đã liên kết để tạo ra vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn.
Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Srêpốk 3 (HTX Srêpốk 3) chia sẻ, chứng kiến cảnh các hộ sản xuất nhỏ lẻ thường bị thương lái o ép khi đến vụ thu hoạch trong khi nguồn phân bón, thuốc trừ sâu, cây giống… họ sử dụng lại không bảo đảm nên ông đã đứng ra thành lập hợp tác xã nhằm liên kết các hộ dân trồng cây ăn trái với nhau tạo nên một vùng “tiểu chuyên canh” cây ăn trái tại địa phương, từ đó tìm đầu ra ổn định và từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây của huyện nhà. Hiện nay, HTX Srêpốk 3 đang canh tác 120 ha cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có đầu ra tương đối ổn định.
Chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 9, xã Tân Hòa, một trong 38 thành viên của HTX Srêpốk 3 cùng tham gia liên kết sản xuất cây ăn trái cho biết, hiện nay gia đình chị có 2,4 ha đất trồng các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi da xanh. Năm nay vườn cây ăn trái của gia đình đã qua năm thứ 4 và bắt đầu cho thu đại trà. Chị Mai ước tính với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg cam, quýt thì gia đình chị sẽ thu về từ 180 – 200 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận này hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác.
Sản phẩm trái cây của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Srêpốk 3 trưng bày trong Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019. |
Ở xã vùng biên Krông Na, một vùng đất được xem là kén chọn các loại cây trồng thì đến nay cũng đã xuất hiện những vườn cam, quýt trĩu quả. Ông Y Ken Lưk ở buôn Trí A, xã Krông Na đã chuyển đổi 2 ha đất trồng hoa màu qua trồng các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, xoài… Ông Y Ken cho hay, trước đây trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Bản Đôn (HTX Bản Đôn), ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cây ăn trái. Hiện vườn cây đang sinh trưởng, phát triển tốt và đang cho trái bói nên ông rất kỳ vọng về những loại cây này.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, hiện trên địa bàn có trên 1.142 ha cây ăn trái, chủ yếu là cây có múi như cam, quýt, bưởi da xanh… Do hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác nên những năm gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi qua trồng cây ăn trái. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2019, diện tích cây ăn trái trên địa bàn đã tăng 18,7% so với kế hoạch của huyện (962 ha).
Cần lộ trình hợp lý
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn Trần Thị Thủy cho biết, trước tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cây ăn quả, thời gian qua đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích mới mà tập trung chăm sóc diện tích đã trồng và ưu tiên việc tìm đầu ra vững chắc cho sản phẩm.
Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức cho người dân mang sản phẩm đi trưng bày tại các lễ hội, hội nghị, hội chợ… trong và ngoài huyện nhằm kết nối với thị trường. Tuy nhiên việc tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ yếu vẫn là do người dân và các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chứ huyện chưa có hướng triển khai việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm trái cây trên địa bàn.
Vườn trái cây của gia đình ông Y Ken Lưk ở buôn Trí A, xã Krông Na bắt đầu cho quả bói. |
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Giám đốc HTX Bản Đôn thì hiện tại HTX có 15 thành viên và liên kết với các nông hộ sản xuất các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra sản phẩm thì vẫn do người dân tự làm. Tương tự, Giám đốc HTX Srêpốk 3 Đỗ Văn Long cũng băn khoăn, tuy HTX đã thực hiện được vai trò cầu nối liên kết giữa các nông hộ với nhau và giữa sản phẩm với thị trường nhưng việc tạo một thương hiệu riêng cho trái cây huyện nhà là câu chuyện mà không chỉ riêng HTX của ông có thể thực hiện được.
Thiết nghĩ, để phát triển kinh tế từ cây ăn quả một cách bền vững và đem lại hiệu quả cao, cùng với việc vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn nhằm nâng tầm sản phẩm thì việc xây dựng một lộ trình hợp lý cho sản phẩm cây ăn trái cũng cần được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm một cách đúng mức.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ cho gần 100 ha cây ăn trái để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2018, huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ gần 700 triệu đồng để thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây trên địa bàn. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc