Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp ở vùng sâu

10:10, 16/12/2019

Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, thời gian qua, nhiều cá nhân ở huyện vùng sâu Krông Bông đã mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”, tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, tạo ra những mô hình khởi nghiệp hiệu quả.

Đưa thương hiệu cơm cháy vươn xa

Bắt đầu chỉ một mình với suy nghĩ, Krông Bông là vùng đất cằn cỗi, không có nguyên liệu gì dồi dào ngoài lúa gạo nên chị Hồ Thị Tình (sinh năm 1984) ở tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar đã lựa chọn con đường khởi nghiệp là sản xuất sản phẩm cơm cháy. Trước khi bắt tay vào thực hiện, chị Tình đã đi nhiều nơi, học hỏi ở nhiều cơ sở sản phẩm cơm cháy có thương hiệu rồi tham khảo thêm từ bạn bè, sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2013, chị Tình bắt đầu thử nghiệm và lựa chọn nguồn nguyên liệu sạch do nông dân ở địa phương sản xuất ra rồi tự tay nấu và chiên những miếng cơm cháy đầu tiên. Ban đầu sản phẩm của chị chỉ bán cho bà con xung quanh nhưng nhờ sản xuất với cái “tâm”, sản phẩm của chị Tình vừa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vừa hợp khẩu vị người tiêu dùng nên “tiếng lành đồn xa”, mối hàng của chị dần nhiều lên. Dần dà, sản phẩm cơm cháy của chị được người dùng đánh giá tốt và thị trường cũng dần mở rộng ra toàn thị trấn.

Năm 2014, chị Tình đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm cơm cháy của mình với thương hiệu là Su Su và bắt đầu thuê những nhân công đầu tiên để phục vụ cho cơ sở sản xuất cơm cháy. Thành công đã đến với chị Tình khi cơm cháy Su Su đạt được chứng nhận “Sản phẩm tin cậy” trong Chương trình khảo sát “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2016” do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo tổ chức. Chưa dừng lại ở đó, năm 2018, Cơ sở sản xuất cơm cháy Su Su của chị Tình tiếp tục được lọt vào top 100 sản phẩm dịch vụ chất lượng cao trên cả nước.

Sản phẩm cơm cháy Su Su trưng bày tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đắk Lắk cơ hội và thách thức.
Sản phẩm cơm cháy Su Su trưng bày tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đắk Lắk cơ hội và thách thức.

Hằng năm, Cơ sở sản xuất cơm cháy Su Su thu mua khoảng 60 tấn gạo cho bà con nông dân tại địa phương và xuất bán ra thị trường hàng chục tấn cơm cháy thương phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Tình chia sẻ, khi mới bắt tay vào làm, cơ sở của chị gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, nhưng đến nay, sản phẩm cơm cháy Su Su đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Được sự hỗ trợ từ Chương trình khuyến công địa phương năm 2019, chị Tình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở và trang bị máy móc, thiết bị sản xuất cơm cháy theo dây chuyền bán tự động. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì… để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tốt hơn và đưa thương hiệu cơm cháy Su Su ngày càng vươn xa.

Khởi nghiệp từ nghề truyền thống

Ở huyện Krông Bông, sản phẩm rượu cần Amí Rin do chị H’Jih Niê (dân tộc M’nông) ở buôn Khanh, xã Cư Pui ủ nổi tiếng thơm ngon. Gia đình chị H’Jih có truyền thống ủ rượu cần từ nhiều đời nay nên đối với chị nấu rượu cần tuy không mang lại lợi nhuận cao như những nghề khác nhưng lại có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần. Nhờ nắm vững kỹ thuật làm men, ủ rượu nên sản phẩm chị làm ra rất “được lòng” bà con xung quanh và du khách. Đặc biệt, tự tay chị H’Jih canh tác 7 sào ruộng để làm ra hạt gạo, hạt nếp phục vụ lương thực cho gia đình và để ủ rượu cần nên chất lượng nguồn nguyên liệu hoàn toàn bảo đảm.

Chị H’Jih Niê  giới thiệu  sản phẩm  rượu cần  Amí Rin  tại Hội chợ  nông nghiệp  và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên  tại Đắk Lắk  năm 2019.
Chị H’Jih Niê giới thiệu sản phẩm rượu cần Amí Rin tại Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019.

Mỗi năm gia đình chị H’Jih sản xuất  150 - 200 bình rượu đựng trong các ché từ 4 - 12 lít, trước đây chủ yếu bán với số lượng nhỏ, lẻ nhưng giờ đây đã có thể cung cấp hàng với số lượng lớn. Những khách hàng ở xa hoặc những tổ chức, cá nhân có nhu cầu đặt hàng dù số lượng lớn hay nhỏ chị H’Jih đều tận tình cung cấp. Rượu cần Amí Rin tiêu thụ quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là vào dịp lễ, tết. Việc ủ rượu cần mang lại cho gia đình chị H’Jih thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm, một mức thu nhập đáng kể ở địa phương. Trong thời gian tới chị dự định sẽ tiếp tục đưa sản phẩm của mình đến được với nhiều người tiêu dùng hơn thông qua các hội chợ, chương trình quảng bá sản phẩm… ở trong và ngoài tỉnh nhằm khẳng định thương hiệu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.