Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng hàng Tết 2020

08:40, 02/12/2019

Đón đầu sức mua dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã sớm lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng.

Để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân trên địa bàn, các doanh nghiệp, nhà phân phối bán lẻ… đã có kế hoạch chủ động nguồn hàng từ rất sớm. Các doanh nghiệp chủ lực dành một nguồn vốn đáng kể để dự trữ hàng tết, như Co.opmart Buôn Ma Thuột 80 tỷ đồng, Mega Market 45 tỷ đồng, Vinmart Buôn Ma Thuột  41 tỷ đồng, Trung tâm Thương mại Ea Kar (huyện Ea Kar) 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 721 gần 5,5 tỷ đồng...; tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng - nhóm hàng mang tính chiến lược trong dịp này - như gạo, thịt, rau, củ quả, thịt, trứng, đường, dầu ăn, nước giải khát…

Sở Công thương đã đưa ra dự đoán nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Canh Tý 2020: gạo nếp, gạo tẻ khoảng 18.000 tấn, thịt heo khoảng 3.600 tấn, thịt gà nguyên con 1.440 tấn, thủy hải sản 1.260 tấn, thực phẩm chế biến sẵn các loại 1.080 tấn, rau củ quả 2.700 tấn…

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân.
Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân.

Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, nguồn hàng bán tết được siêu thị lên kế hoạch chủ động từ đầu tháng 10 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cao điểm. Đơn vị cũng đã lựa chọn, ký hợp đồng cam kết với các nhà cung cấp có uy tín để bảo đảm mức giá tốt nhất, chất lượng hàng hóa bán ra cho người tiêu dùng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, như mọi năm trước, dịp Tết 2020 chương trình bình ổn giá tiếp tục được triển khai chu đáo nhằm góp phần ổn định nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt hàng, gây bất ổn thị trường. Thời gian bình ổn không chỉ trước tết mà kéo dài ra sau tết (từ 1-12-2019 đến 15-2-2020) để giảm thiểu tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột xuất.

Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tạm ứng vốn với lãi suất ưu đãi (0%) thì sở còn thực hiện vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn tự chủ của đơn vị (chiếm đến 90%) để tăng nguồn dự trữ hàng tết. Nhóm mặt hàng tập trung bình ổn dịp tết bao gồm: lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (bao gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu. Trong đó, sở chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bình ổn, bảo đảm nguồn cung, giá bán, nhất là đối với mặt hàng thịt heo. Bởi ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi và tốc độ tái đàn đang diễn ra chậm làm nguồn cung bị thiếu hụt dẫn đến giá thịt heo trên địa bàn tỉnh đang tăng từ 20.000 – 25.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong dịp Tết.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn còn chủ động thực hiện chương trình bán hàng lưu động về nông thôn của tỉnh trong dịp cuối năm 2019; đồng thời, bố trí lượng hàng dự trữ tại kho của doanh nghiệp và phương tiện vận tải sẵn sàng cung ứng không để xảy ra trường hợp khan hiếm hàng.

Về phía các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá hầu hết đều cam kết thực hiện niêm yết giá và giữ mức giá bán bằng hoặc thấp hơn thị trường 5%. Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột Trần Thị Thành Nhân khẳng định, siêu thị sẵn sàng cung ứng, điều tiết nguồn hàng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan, thiếu hàng trong mùa cao điểm sắm tết năm nay.

Hiện tại, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp, nỗ lực tìm cách mang lại mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Riêng đối với mặt hàng thịt heo, trước tình trạng giá heo đang tăng phi mã như hiện nay, siêu thị đã tìm kiếm thêm nhà cung cấp, ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Đắk Lắk bảo đảm nguồn dồi dào, chất lượng an toàn phục vụ nhu cầu của người dân mùa cao điểm. Mặt hàng này thường có sức mua rất cao trong dịp tết nên bắt đầu từ 1-12-2019 đến hết tháng 2-2020, siêu thị sẽ thực hiện bình ổn giá với mức giá bán bằng hoặc thấp hơn thị trường 5% đối với hai mã hàng gồm thịt đùi heo và thịt ba rọi nhằm hỗ trợ người tiêu dùng sắm tết.

Để người dân đón một cái tết vui tươi, lành mạnh, an toàn thì công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng đang được lực lượng chức năng tăng cường. Ông Giao Thanh Tùng, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh cho biết, đơn vị đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giá; việc mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm bảo vệ người tiêu dùng địa phương mua sắm tết.

Theo Sở Công thương, năm nay các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã dành khoảng 261,47 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa cho dịp tết. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng, các chợ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.