Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động: Chú trọng việc tư vấn kết nối người lao động với thị trường

08:39, 02/12/2019

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò tư vấn, cầu nối giữa người lao động (NLĐ) với thị trường lao động nước ngoài.

Đắk Lắk được đánh giá là địa bàn tiềm năng về XKLĐ, nên thời gian qua có nhiều doanh nghiệp từ các địa phương khác đến mở chi nhánh, văn phòng đại diện để tuyển chọn, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Đơn cử như, Công ty Cổ phần Quốc tế KAIZEN (tỉnh Nghệ An) mở văn phòng đại diện tại tỉnh từ giữa năm nay. Đơn vị đã về tận thôn, buôn nhất là ở những huyện nghèo như M’Đrắk, Lắk phối hợp với các cơ quan, địa phương để tư vấn, tuyên truyền cho người dân về lợi ích kinh tế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các kênh XKLĐ chính thống. Công ty đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đào tạo ngoại ngữ, văn hóa và định hướng nghề nghiệp cho NLĐ. Các học viên được hỗ trợ ăn, ở trong quá trình học và chủ động lựa chọn thị trường, công việc phù hợp. Hiện có 17 NLĐ chuẩn bị xuất cảnh đi Đài Loan và Nhật Bản với các công việc: nông nghiệp, xây dựng, hộ lý.

Tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại xã Ea Trang, huyện M'Đrắk.
Tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại xã Ea Trang, huyện M'Đrắk.

 

Trước tình trạng một số tổ chức, cá nhân tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài sai quy định, môi giới yêu cầu chi phí quá cao gây thiệt hại cho người dân, cơ quan chức năng khuyến cáo NLĐ khi có nhu cầu XKLĐ cần tiếp cận các kênh hợp pháp và các doanh nghiệp uy tín để tránh rủi ro.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm Sài Gòn (TOCONTAP JSC) mở chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh được 8 năm và được đánh giá là doanh nghiệp có uy tín trong việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đơn vị chuyên tuyển chọn lao động cho thị trường Nhật Bản, với những ngành nghề chính là điều dưỡng, chăm sóc người già, công nghiệp cơ khí và may mặc.

Công ty thường xuyên gắn kết với NLĐ thông qua ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương, qua các phiên giao dịch việc làm và trường dạy nghề. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ, đơn vị tư vấn, định hướng để họ chọn lựa công việc phù hợp với trình độ, tay nghề và điều kiện kinh tế bản thân. Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng, doanh nghiệp đào tạo học viên về ngoại ngữ, văn hóa, tác phong làm việc chuyên nghiệp để NLĐ không bị bỡ ngỡ khi ra nước ngoài làm việc. Mặc dù là thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng nhân lực khắt khe, nhưng mỗi năm có 30 – 40 lao động ở tỉnh do doanh nghiệp tuyển chọn được xuất cảnh sang Nhật Bản, thời gian 3 – 5 năm và đa phần có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Người dân huyện Lắk tìm hiểu thông tin thị trường lao động nước ngoài. Ảnh: Lê Gia
Người dân huyện Lắk tìm hiểu thông tin thị trường lao động nước ngoài. Ảnh: Lê Gia

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 doanh nghiệp hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã tư vấn cho gần 5.500 lượt người có nhu cầu đi XKLĐ, trong đó, gần 1.000 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, công việc chủ yếu là công nhân xây dựng, cơ khí chế tạo, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, giúp việc gia đình… Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người đi XKLĐ. Tuy nhiên, công tác kết nối XKLĐ vẫn còn gặp khó khăn, do tâm lý của NLĐ vẫn muốn tham gia những thị trường có mức thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… trong khi trình độ tay nghề, ngoại ngữ, kinh phí không đáp ứng được.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường  tuyên truyền đến tận thôn, buôn về các chính sách hỗ trợ cho NLĐ của Nhà nước, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương; ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp “tô hồng” công việc, mức lương, hứa hẹn khi tư vấn cho NLĐ… nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để NLĐ lựa chọn doanh nghiệp đăng ký XKLĐ.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.