Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Nguy cơ thất thu mùa mía

08:23, 02/01/2020

Niên vụ 2018 - 2019, huyện M’Đrắk trồng 5.888 ha mía, đạt 88% kế hoạch, giảm 745 ha so với niên vụ trước; năng suất ước đạt 76,36 tấn/ha, cung cấp sản lượng mía nguyên liệu khoảng 450.000 tấn cho các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bước vào vụ thu hoạch này, giá thấp, năng suất giảm khiến nông dân lo lắng “thu không đủ bù chi phí”.

Trồng mía hơn 10 năm nhưng chưa năm nào năng suất mía của gia đình ông Nguyễn Văn Xong (thôn Ea Tê, xã Krông Jing) lại thấp như năm nay khi 7 ha mía dự kiến chỉ thu hoạch được 350 tấn, bình quân mỗi héc-ta khoảng 50 tấn mía.

Ông Xong cho biết, gia đình ông có 7 ha đất trồng mía giống KK3, K95, trung bình năng suất đạt từ 80 - 100 tấn/ha, với giá mía bình quân trên 900.000 đồng/tấn thì gia đình ông có thu hơn 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Năm nay, cây mía gặp hạn nặng, sinh trưởng và phát triển chậm, lóng mía thấp, lá tạp nhiều nên năng suất chỉ bằng 50% so với năm trước. Trong khi đó, giá mía đầu vụ hiện nay là 800.000 đồng/tấn (trữ đường 8-10 CCS, dưới 8 CCS giảm 5 - 10%), thu nhập của gia đình sẽ chẳng được bao nhiêu.

Người dân xã Krông Jing bốc mía lên xe vận chuyển đến nhà máy.
Người dân xã Krông Jing bốc mía lên xe vận chuyển đến nhà máy.

Tương tự, gia đình ông Trần Ngọc Hải (xã Krông Jing) đang đối mặt với một vụ mía buồn bởi ruộng mía đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng cây thấp, không có lóng, sản lượng sụt giảm mạnh. Gia đình ông Hải có hơn 10 ha đất trồng mía từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, là một trong những hộ có diện tích mía lớn tại xã Krông Jing. Năm ngoái, diện tích mía này đạt năng suất từ 80 tấn/ha song năm nay chỉ đạt 40 - 50 tấn/ha. Ông Hải ước tính có thể thua lỗ hoặc may mắn là “thu chỉ đủ chi”, gia đình ông không khỏi lo lắng vì thu nhập chỉ trông vào vụ thu hoạch mía để trả nợ ngân hàng, các đại lý phân bón và mua sắm.

Theo báo cáo sản xuất năm 2019 của huyện M’Đrắk, năng suất mía ước đạt 76,36 tấn/ha, giảm 1,24 tấn so với niên vụ trước, tổng sản lượng ước đạt 450.000 tấn. Tuy nhiên, theo thực tế thu hoạch niên vụ mía 2018 - 2019 hiện nay, năng suất giảm mạnh chỉ đạt khoảng 50 - 70% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài khiến cây mía không sinh trưởng, phát triển được, cây ngắn, lóng nhỏ, lá tạp nhiều. Theo tính toán của nông dân, 1 ha mía nếu không bị hạn hán năng suất có thể lên đến 70 - 100 tấn/ha nhưng nay năng suất chỉ còn một nửa, thậm chí thấp hơn, sản lượng mía có thể giảm còn 40%, bà con nông dân sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Người dân thu gom mía sau thu hoạch.
Người dân thu gom mía sau thu hoạch.

Những năm qua, mía là cây trồng chủ lực với diện tích chiếm trên 20% tổng diện tích cây trồng hằng năm của huyện M’Đrắk. Do thời tiết diễn biến phức tạp và lượng đường tồn kho nhiều, người người trồng mía gặp khó khăn khi năng suất và giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp, diện tích mía ngày càng giảm. Trước thực trạng trên, ngành chức năng huyện khuyến cáo các địa phương định hướng nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để giảm thiệt hại về kinh tế. Đối với cây mía trong vùng quy hoạch, người dân cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống mía chịu hạn tốt cũng như kết hợp nhiều khâu chăm sóc giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất mía.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.