Multimedia Đọc Báo in

Nông dân lo lắng với nạn sâu róm đỏ "tấn công" vườn bơ

08:24, 02/01/2020

Thời điểm này, cây bơ bắt đầu thay lá, đâm chồi chuẩn bị ra hoa vụ mới, nhưng nhiều vườn bơ ở huyện Ea H’leo bị loài sâu róm đỏ "tấn công" khiến người dân lo lắng.

Gom những tổ kén rơi đầy dưới gốc cây bơ, ông Nguyễn Văn Triển (tổ dân phố 5, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cho biết, nhà có 40 cây bơ trồng xen hồ tiêu. Cuối tháng 11-2019, vườn cây xuất hiện loài sâu róm đỏ ăn trụi cây bơ đang chuẩn bị ra hoa. Sâu này chỉ đi ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, còn trời nắng chúng bò xuống thân hoặc ẩn nấp dưới mặt lá nên khó phát hiện. Khi thấy cây bơ sát nhà bất ngờ bị trụi hết lá, ông kiểm tra thì đàn sâu đã ăn hết 5 cây bơ. Ông Triển cấp tốc phun thuốc trừ sâu hết cả vườn để tránh lây lan sang cây khác.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ea H’leo lấy mẫu kén phục vụ nghiên cứu.
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ea H’leo lấy mẫu kén phục vụ nghiên cứu.

Sâu róm đỏ rất khoái ăn phần lá non và chồi non, lá già chúng thường kết thành tổ kén nuôi nhộng, chờ ngày hóa bướm để tiếp tục vòng đời sinh trưởng. Sâu róm đỏ ăn rất khỏe và sinh sản nhanh, trên một cây có tới cả ngàn con sâu “ken đặc” và chỉ trong một đêm chúng có thể ăn trụi hết lá cây của cây bơ cao to. Ngoài phun thuốc, ông Triển còn cắt bỏ, thu gom hết tổ kén, ngăn chặn triệt để loài sâu tái sinh gây hại vườn bơ. Mấy năm trước, vườn bơ nhà ông cũng bị sâu róm đỏ tấn công, cây nào bị sâu ăn đúng thời điểm ra hoa thì tuyệt nhiên không đậu quả. Ông Triển lo lắng khi những cây bơ bị sâu ăn không ra hoa, trong khi những cây khác thì đậu hoa bình thường.

Sâu róm đỏ có tên khoa học là Cricula trifenestrata, vòng đời của sâu trải qua 4 giai đoạn: Trứng, sâu non, nhộng, bướm. Trong đó giai đoạn tấn công gây hại cây trồng nhiều nhất là sâu non. Sâu có màu vàng nhạt, đỏ, đen và nâu; dài từ 20 - 60 mm, thân nhiều gai.

Tương tự, vườn bơ của nhà anh Bùi Thanh Tú (tổ dân phố 9, thị trấn Ea Đrăng) cũng bị sâu róm đỏ phá hoại cách đây hai tháng. Nhà anh Tú có hơn 30 cây bơ thì có 8 cây bị sâu ăn trụi lá; số còn lại bị sâu ăn ít hơn nhưng anh cũng phun thuốc đồng loạt để diệt tận gốc. Năm trước, rẫy bơ nhà anh Tú cũng bị sâu róm tấn công nhưng không nhiều như năm nay. Sâu nằm ken đặc dưới mặt lá và ít di chuyển, đêm xuống chúng mới bò ra phá hoại hết cành này sang cành khác. Sau khi phun thuốc, một số ít sâu còn sống sót tiếp tục sinh trưởng tấn công qua cây điều.

Theo anh Tú, loại sâu này xuất hiện nhiều nhất là thời điểm giao mùa cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Tuy không gây chết cây như những bệnh khác nhưng việc sâu tấn công hết phần chồi non, cắt đứt cuống hoa đã ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, năng suất cây bơ. Hiện những cây bơ bị sâu ăn cho lá non lại nhưng có hoa kết quả hay không thì phải chờ một thời gian nữa mới biết.

Ông Nguyễn Văn Triển thu gom tổ kén sâu róm đỏ dưới gốc bơ.
Ông Nguyễn Văn Triển thu gom tổ kén sâu róm đỏ dưới gốc bơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ea H’leo cho hay, hiện tại người dân đã phun thuốc tiêu diệt và ngăn chặn loài sâu róm đỏ tấn công vườn bơ. Việc sâu ăn trụi lá ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây, nhất là vào thời điểm cây bơ ra hoa đậu quả. Trên địa bàn huyện có khoảng 50 ha bơ bị sâu róm đỏ tấn công, chủ yếu là bơ truyền thống. Số lượng cây bị sâu ăn chiếm khoảng 50% diện tích, tỷ lệ gây hại từ 5 - 20%. Ngay khi sâu róm đỏ xuất hiện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã có thông báo sâu bệnh hại và biện pháp phòng ngừa cho người dân biết đồng thời có báo cáo lên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Mới đây, đoàn chuyên gia của Trường Đại học Tây Nguyên cũng về địa phương lấy mẫu kén sâu róm đỏ trên cây bơ để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.