Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông đối mặt với hạn hán vụ đông xuân

10:55, 28/02/2020

Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Krông Bông gieo trồng hơn 5.891 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, do lượng mưa năm 2019 trên địa bàn huyện thấp hơn so với lượng mưa trung bình hằng năm nên nhiều địa phương đang phải gồng mình chống chọi với hạn hán.

Xã Ea Tul có hơn 388 ha lúa nước, trong đó 300 ha nằm trong kế hoạch sản xuất của địa phương, còn lại là ngoài kế hoạch. Ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ea Tul cho biết, do mùa mưa kết thúc sớm, nguồn nước dẫn về từ công trình thủy lợi Krông Kmar không đủ cung cấp nước tưới cho bà con. Hơn nữa từ khi xuống giống đến thời điểm này trên địa bàn xã không có mưa nên toàn bộ 88 ha lúa ngoài kế hoạch bị thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó có gần 45 ha đã bị cháy khô, mất trắng hoàn toàn. Hiện tại, hơn 300 ha lúa nước còn lại cũng bị thiếu nước do nguồn nước dự trữ từ các công trình thủy lợi trên địa bàn xã đều đã khô cạn. Nhiều diện tích lúa gieo trồng hơn 2 tháng nhưng mới cao chưa đầy 20 cm và có nguy cơ mất trắng.

Nhiều diện tích lúa nước tại cánh đồng buôn Plum, xã Ea Trul chết khô vì thiếu nước.
Nhiều diện tích lúa nước tại cánh đồng buôn Plum, xã Ea Trul chết khô vì thiếu nước.

Ông Y Blắp Êban (buôn Cư Min) cho hay, vụ đông xuân năm nay gia đình ông xuống giống được 3 sào lúa ở cánh đồng buôn Cư Min. Vụ trước với diện tích này gia đình ông thu hoạch được hơn 3 tấn lúa, nhưng năm nay ruộng khô nứt nẻ không có nước nên đứng trước nguy cơ mất trắng. Dù xót xa lắm nhưng gia đình ông buộc phải cắt ngang cây lúa cho bò ăn. Tương tự, gia đình ông Y’Khal Byă (buôn Plum) cũng hết sức lo lắng khi hơn 2 sào lúa nước của mình đang khô héo ngoài đồng vì không đủ nước tưới.

Không chỉ xã Ea Tul, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Krông Bông cũng đang phải gồng mình chống chọi với hạn hán, cây trồng đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới. Bà Phạm Thị Ngọc Vĩ, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cư Pui thông tin, hiện nay trên địa bàn có hơn 155 ha cây trồng các loại vụ đông xuân bị khô hạn do thiếu nước tưới, trong đó thiệt hại trên 70% năng suất là 77,25 ha, còn lại là thiệt hại từ 30 - 70% năng suất. Hộ anh Y Mluk Byă (buôn Blăk, xã Cư Pui) trồng được 5 sào sắn, nhưng thời tiết khô hạn, cây sắn chỉ mọc cao chưa qua đầu gối, sản lượng chưa biết ra sao.

Người dân thôn Ea Uôl, xã Cư Pui bơm nước cứu lúa.
Người dân thôn Ea Uôl, xã Cư Pui bơm nước cứu lúa.
 

“Với những diện tích cây trồng mất trắng, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông đã chỉ đạo các địa phương thống kê danh sách để đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí cho người dân, nhanh chóng khôi phục sản xuất trong vụ mới”.

 

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Đinh Văn Tiến

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 230 ha cây trồng các loại xuống giống trong vụ đông xuân 2019 - 2020 bị khô hạn, trong đó có 149 ha lúa nước, 58 ha sắn, 23 ha ngô. Diện tích cây trồng phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại về năng suất, sản lượng do thiếu nước tưới tập trung ở các xã Ea Trul, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao…

Ông Đinh Văn Tiến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho hay, trong thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện những biện pháp chống hạn, đặc biệt là trong vụ đông xuân. Song song với việc chủ động kiểm soát nguồn nước thông qua vận hành các công trình thủy lợi hiện có để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, đơn vị cũng khuyến cáo nông dân gia cố bờ bao để giữ nước, hạn chế những diện tích cây trồng ngoài kế hoạch, không chủ động được nguồn nước và áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây lúa… Đối với diện tích cây trồng bị khô hạn ở các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trạm bơm ở xã Ea Trul và điều tiết nước từ công trình thủy lợi thác Krông Kmar về để phục vụ nước tưới cho cây trồng. Đối với các địa phương không có trạm bơm thì thực hiện huy động bơm máy từ các cơ sở và trong nhân dân để bơm nước cứu cây trồng. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết như hiện nay, khả năng khô hạn trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.