Làm giàu nhờ nhạy bén thị trường
Chịu khó học hỏi, nhạy bén với thị trường, anh Nguyễn Ngọc Hoanh ở thôn Ea Klang (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) đã thành công với mô hình phát triển kinh tế đa cây, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho địa phương.
Rời huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 2000, vợ chồng anh Hoanh vất vả làm thuê, làm mướn mới tích lũy đủ tiền mua được 5 sào cà phê già cỗi ở thôn Ea Klang. Đất đai ở đây khá cằn cỗi, mùa khô năm nào hầu như cũng thiếu nước sản xuất nên cây trồng khó phát triển, dù đã cố công chăm sóc đầu tư phân bón, nhưng năng suất 5 sào cà phê của gia đình anh Hoanh cũng chỉ đạt khoảng 5 tạ nhân/năm.
Anh Nguyễn Ngọc Hoanh (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn. |
Năm 2007, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Hoanh biết được cây hồ tiêu có nhiều tiềm năng về kinh tế, nên đã tìm mua 200 cây giống về trồng xen với cà phê. Chỉ sau 3 năm, hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch (thời điểm này giá tiêu trên thị trường khá cao từ 185.000 - 205.000 đồng/kg), lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Có vốn, anh Hoanh mua thêm 2 ha đất để mở rộng diện tích trồng tiêu xen cà phê. Từ năm 2013, người dân khắp nơi đổ xô trồng tiêu, khiến giá tiêu tăng vọt và khan hiếm, anh Hoanh lại tỉa nhánh bán thêm tiêu giống. Lợi nhuận thu về mỗi năm trên 2 tỷ đồng từ tiêu và cà phê.
Nhận thấy giá tiêu hạt trên thị trường khá cao, song tiềm ẩn không ít rủi ro bởi bệnh chết nhanh, chết chậm và khả năng khi người dân đổ xô trồng thì giá tiêu sẽ giảm. Song muốn chuyển đổi cây trồng khác đòi hỏi phải có nguồn nước tưới ổn định. Lúc bấy giờ, nhiều hộ dân trong vùng đang "đua nhau" khoan giếng, anh Hoanh quyết định đào hồ chứa khoảng 10.000 m3 nước ở rẫy nhằm thu nước trong mùa mưa vừa giúp cây trồng tránh ngập úng, đồng thời trữ nước để tưới cho cây trồng của gia đình vào mùa khô. Khi bài toán khó về nước tưới được giải quyết, anh Hoanh lặn lội ra tận tỉnh Hòa Bình tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống cây đinh lăng, dổi về trồng.
Anh Nguyễn Ngọc Hoanh chăm sóc cây trồng trong vườn. |
"Anh Hoanh luôn đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho người dân đến tham quan học hỏi. Đến nay đã có hàng chục hộ dân trong xã cũng đào hồ tích nước mặt; trồng đa cây trên cùng một diện tích đất để tăng thu nhập…".
Ông Trần Văn Ruân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sin
|
Sở hữu 4 ha rẫy, anh Hoanh phân chia khu vực canh tác khá khoa học: một thửa trồng 1.500 cây đinh lăng dưới tán mãng cầu và bơ booth; thửa khác trồng bưởi da xanh với sầu riêng; 2 ha rẫy trồng cà phê xen dổi và hồ tiêu. Năm 2017, giá tiêu trên thị trường đột ngột giảm từ 180.000 đồng/kg xuống 100.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn dưới 35.000 đồng/kg, song thu nhập của gia đình anh Hoanh vẫn không hề giảm nhờ những loại cây trồng khác bù lại như: năng suất cà phê đạt 5 tấn nhân/năm; bơ booth thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/vụ; mỗi năm anh còn cắt tỉa khoảng 8 tấn thân và 3 tấn lá đinh lăng, thu về khoảng 200 triệu đồng.
Theo anh Hoanh, việc đa dạng cây trồng trên cùng một diện tích đất là cần thiết, song cũng phải chọn những loại cây trồng xen tương thích, vừa không ảnh hưởng đến quá trình phát triển giữa các cây vừa tránh lãng phí đất, việc chăm sóc, bón phân lại hiệu quả...
Đơn cử như: trồng đinh lăng xen mãng cầu và bơ vừa hạn chế thất thoát hơi nước, lại không bị cỏ dại xâm lấn mà đỡ chi phí sản xuất. Hay trồng xen canh 100 cây dổi là để tạo bóng mát cho cà phê và hồ tiêu, mà hiệu quả thu về không ít. Một cây dổi trưởng thành sau 4 năm trồng, chăm sóc có thể cho thu hoạch 20 - 30 kg hạt, thị trường đầu ra khá ưa chuộng với giá giao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Anh Hoanh chia sẻ: "Cuối năm nay, các cây trồng chủ lực: dổi, sầu riêng, mãng cầu, bơ booth và củ đinh lăng bắt đầu cho thu hoạch rộ, với giá cả thị trường như hiện nay có thể thu lãi trên 3 tỷ đồng".
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc