Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ứng phó với nguy cơ hạn trong mùa khô 2020

10:07, 12/03/2020

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, mực nước ở các sông, suối, ao hồ đang xuống rất nhanh trong khi nhu cầu về nước tưới của các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh rất cao, để hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế nếu khô hạn xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung các giải pháp ứng phó kịp thời.

Nguy cơ thiếu nước trên diện rộng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào đầu vụ sản xuất đông xuân 2019 - 2020 (tháng 12-2019), các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mực nước dâng bình thường, nhưng đến giữa tháng 2-2020, mực nước các hồ chứa đã giảm nhanh. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông báo, mực nước các sông, suối tiếp tục giảm; lượng dòng chảy phổ biến thiếu hụt ở mức 50 - 70% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng trong các tháng sắp tới nếu không có mưa.

Người dân huyện Lắk chủ động bơm nước tưới cho lúa.
Người dân huyện Lắk chủ động bơm nước tưới cho lúa.

Hiện vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh đã gieo trồng xong 58.374 ha cây hằng năm các loại (vượt 19% kế hoạch), trong đó diện tích lúa nước thực hiện 41.167 ha (vượt 17,6% kế hoạch). Ngoài ra, diện tích cây lâu năm cần tưới nước trong mùa khô khoảng 230.000 ha (gồm cây ăn quả và cây công nghiệp). Như vậy, tổng diện tích cây trồng cần tưới nước trong vụ đông xuân 2019 – 2020 lên đến khoảng 290.000 ha. Đến thời điểm này, diện tích cây cà phê, hồ tiêu phổ biến đã tưới 2 đợt; lúa nước, số ít diện tích gieo sớm đã chín và cho thu hoạch, còn lại chủ yếu đang giai đoạn trổ đến chắc hạt (dự kiến thu hoạch phổ biến khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2020).

Căn cứ thông tin đánh giá về nguồn nước hiện tại, khả năng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra vào khoảng từ cuối tháng 3 đến tháng 5-2020, trong đó chủ yếu thiếu nước tưới cho cây trồng lâu năm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Khu vực bị hạn hán, thiếu nước sản xuất dự kiến tập trung một số địa phương, như: Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắc, Cư M'gar, Buôn Đôn, Krông Búk, Ea H'leo. Theo đó, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cũng đã xác định diện tích có nguy cơ hạn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đảm nhiệm tưới phục vụ sản xuất đông xuân là 49.730 ha (gồm: 22.564 ha lúa, 25.074 ha cà phê, 1.822 ha hoa màu và 270 ha thủy sản). Dự kiến, vào thời kỳ cuối vụ có khoảng 4.140 ha cây trồng các loại phải chống hạn, tập trung một số huyện trọng điểm như Lắk, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Hồ…

Các hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác đảm nhận tưới cho cây trồng các loại là 22.067 ha. Dự kiến đến cuối tháng 3 nếu không có mưa, diện tích cây trồng cần chống hạn khoảng 2.000 ha, chủ yếu là cây lâu năm; các công ty cà phê và hộ sản xuất phục vụ tưới khoảng hơn 200.000 ha cây trồng các loại, nguồn nước tưới cho diện tích này chủ yếu từ công trình thủy lợi, sông suối, ngước ngầm. Dự kiến diện tích cây trồng cần phải chống hạn khoảng 25.000 ha…

Khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn

Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, UBND tỉnh đã kịp ban hành Phương án ứng phó với hạn hán trong mùa khô 2019 - 2020 trên địa bàn Đắk Lắk. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ công trình thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn. Cụ thể, đối với một số khu vực có dòng chảy mặt nghèo kiệt, hồ chứa chủ yếu có dung tích nhỏ, bị bồi lắng trong khi diện tích diện tích sản xuất lớn nên nguồn nước chống hạn rất khó khăn, như các huyện: Krông Búk, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Bông, Ea H’leo thì triển khai bơm tận dụng dung tích chết các hồ chứa, nguồn nước trong ao, giếng, khai thác nước ngầm bơm từ giếng khoan; đắp đập tạm khai thác dòng chảy các suối để lấy nước tưới.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, Chi nhánh huyện Lắk vận hành trạm bơm ở xã  Ea R'bin để tưới cho diện tích lúa trên địa bàn xã.
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, Chi nhánh huyện Lắk vận hành trạm bơm ở xã Ea R'bin để tưới cho diện tích lúa trên địa bàn xã.

Các vùng dọc các sông lớn, như các huyện: Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, khi mực nước sông, hồ chứa xuống thấp cần tận dụng tối đa nguồn nước còn lại từ ao, hồ, trên các trục kênh tiêu (nâng ngưỡng tràn, đắp đập tạm) để tạo nguồn nước cung cấp nước tưới cho sản xuất. Về cuối vụ có thể tổ chức lắp đặt, vận hành các trạm bơm dầu dã chiến để bơm chống hạn tại các khu vực sản xuất bị thiếu nước.

Vùng chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các công trình vừa và nhỏ như: Krông Năng, phía tây nam của huyện Ea Kar, một phần huyện M'Đrắk, huyện Ea H'leo, thị xã  Buôn Hồ, tăng cường quản lý tốt nguồn nước và điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý, tiết kiệm nguồn nước; tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cửa cống lấy nước, khơi thông dòng chảy; đắp đập tạm tận dụng nguồn nước suối,nguồn sinh thủy hiện có; có kế hoạch khai thác nước ngầm bằng giếng đào, giếng khoan để phục vụ chống hạn; tu bổ, cải tạo các ao, giếng sinh hoạt hiện có tại các hộ gia đình; lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến để tưới cho diện tích bị thiếu nước vào cuối vụ.

Vùng sử dụng chủ yếu nguồn nước từ các công trình thủy lợi vừa và lớn, như: hồ Ea Súp thượng, hồ Buôn Yong, hồ Krông Buk Hạ, Đắk Minh… thì tăng cường tu sửa các tuyến kênh dẫn, hạn chế tối đa các sự cố rò rỉ gây tổn thất nước; đặt các trạm bơm di động để kịp thời đáp ứng yêu cầu chống hạn khi cần thiết; cần sử dụng nước tiết kiệm để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất vụ hè thu tới…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị UBND các cấp và chủ quản lý các công trình thủy lợi thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nguồn nước thực tế trên các hồ, đập, sông, suối, nguồn nước ngầm của từng vùng, từng khu vực tại địa phương để chủ động điều tiết, khai thác hợp lý. Phải đảm bảo cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao…

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền nhân dân sử dụng nước hết sức tiết kiệm kể cả nguồn nước ngầm, đề phòng mùa khô kéo dài; tăng cường tận dụng mọi nguồn nước để chống hạn. Về nước sinh hoạt, xây dựng phương án cụ thể cho từng khu vực, nếu hạn hán kéo dài không đủ nước phải triển khai thêm các biện pháp như khoan giếng sâu, cấp nước bổ sung bằng xe bồn vận chuyển nước từ nơi khác về đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.