Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng phát triển cây chanh dây ở Ea Huar

10:01, 12/03/2020

Những năm gần đây, người dân xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) đã chuyển đổi một số diện tích đất nương, rẫy kém hiệu quả sang trồng chanh dây, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 Trước đây, gia đình ông Lưu Tuần Mẹo (thôn 8)  có 5.000 m2  đất trồng ngô nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2017, sau khi được tư vấn từ Trạm Khuyến nông huyện, ông quyết định phá bỏ nương ngô, chuyển sang trồng 400 gốc chanh dây. Ông đầu tư hệ thống tưới và chăm sóc cây trồng theo đúng kỹ thuật, khoa học nên đạt kết quả tốt. Ngay trong vụ thu hoạch chanh đầu tiên, với giá bán 40.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy rằng thời gian về sau giá bán chanh dây giảm hẳn, chỉ dao động từ 6.500 - 8.500 đồng/kg nhưng tính ra ông Mẹo vẫn có lãi gần 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Chị Nguyễn Thị Nơ kiểm tra chất lượng trái chanh tại vườn.
Chị Nguyễn Thị Nơ kiểm tra chất lượng trái chanh tại vườn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nơ (thôn 8) cũng có thu nhập khá cao từ trồng chanh dây. Chị Nơ cho biết, thấy mô hình trồng chanh dây của ông Mẹo có hiệu quả, nhiều hộ trong thôn đã học tập làm theo. Tuy chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại, công chăm sóc chanh dây đơn giản nên người trồng đỡ vất vả. Sau khi trồng, nếu được tưới nước đầy đủ, thường xuyên thăm nom, kiểm tra phòng ngừa và xử lý sâu bệnh kịp thời thì 5 - 7 tháng sau cây có thể cho thu hoạch. Trung bình 1 ha chanh dây phát triển tốt có thể cho sản lượng từ 25 - 30 tấn trái. Với diện tích 6.000 m2, năm 2019 gia đình chị Nơ thu được gần 18 tấn quả, bán giá 7.700 đồng/kg, thu lãi trên 90 triệu đồng.

Hướng tới sự phát triển bền vững, giữa năm 2019, chị Nơ đã vận động những hộ trồng chanh dây trên địa bàn xã liên kết lại để thành lập Tổ hợp tác trồng chanh dây xã Ea Huar do chị làm tổ trưởng, hiện đã có 10 thành viên tham gia. Mọi người trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau vốn, cây giống, kỹ thuật mới, cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó đã góp phần tạo sự ổn định, mô hình thu hút nhiều người đến tham quan, học tập. Cũng nhờ vậy, một số tổ viên đã mạnh dạn triển khai kế hoạch tăng diện tích trồng chanh dây của mình lên gấp đôi trong năm nay.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Ea Huar, toàn xã hiện có 15 hộ trồng chanh dây trên diện tích gần 7 ha, chủ yếu ở thôn 8. Bên cạnh việc người dân tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để khuyến khích bà con phát triển và mở rộng diện tích những cây trồng hiệu quả (trong đó có chanh dây), hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở từ 1 - 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng giúp người dân cập nhật những kiến thức mới, áp dụng vào thực tế sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Huar Trần Văn Hải cho biết, do phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nên cây chanh dây trồng tại địa phương phát triển tốt, cho trái tương đối đều, đẹp; hiện đang mang lại nhiều lợi ích tốt hơn so với những cây trồng khác như lúa, ngô... Đây là hướng đi mới, hiệu quả, mở ra triển vọng cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Xã sẽ nghiên cứu và thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích người dân trồng và phát triển loại cây này trong thời gian sắp tới.

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.