Multimedia Đọc Báo in

Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

18:25, 30/04/2020

Cống hiến cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở về với đời thường, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hiến ở thôn 10, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) vẫn phát huy tinh thần xung kích trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Năm 1978, bà Nguyễn Thị Hiến tham gia thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tiếp lương thực và tải đạn cho bộ đội tại biên giới Tây Bắc. Đến năm 1980, bà hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Năm 1999, bà theo chồng đến huyện M’Đrắk lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới.

Bà Nguyễn Thị Hiến thu hoạch vải.
Bà Nguyễn Thị Hiến thu hoạch vải.

Thời gian đầu trên quê hương mới, gia đình bà Hiến gặp rất nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, con nhỏ… Bà bàn với chồng dồn hết số tiền tích góp được đầu tư trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi nhỏ lẻ lấy ngắn, nuôi dài, rồi tiết kiệm dần dần mua thêm đất rẫy mở rộng diện tích sản xuất. Năm 2001, gia đình bà Hiến xây dựng chuồng trại nuôi gà đệm lót sinh học kết hợp thả vườn. Sau khi tham khảo thị trường, bà quyết định chọn giống gà thả vườn BT2 có khả năng chống bệnh tật cao. Ban đầu bà nuôi thử nghiệm chỉ chừng vài trăm con, nhờ chăn nuôi đạt hiệu quả mà đến nay trang trại của bà phát triển nuôi bình quân trên 2.000 con/lứa, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông thường sau 3 tháng nuôi, gà đạt khoảng 2kg/con, giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà lãi trên 150 triệu đồng/năm.

Năm 2011, bà Hiến cùng chồng vay thêm vốn đầu tư trồng 300 gốc vải u hồng và 200 gốc nhãn hương chi, đào hơn 1 sào ao thả cá và lấy nước tưới cho cây trồng. Chỉ trong thời gian ngắn vợ chồng bà Hiến đã nắm vững phương thức canh tác cây vải, nhãn trên đất kém dinh dưỡng, áp dụng kỹ thuật điều khiển nhịp sinh trưởng của cây để phù hợp với thời tiết vùng Tây Nguyên. Mùa vụ năm 2020, với 200 gốc vải và 150 gốc nhãn kinh doanh, gia đình bà Hiến thu hoạch hơn 10 tấn quả, được thương lái mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg nhãn và 30.000 đồng/kg vải, trừ chi phí và nhân công, gia đình bà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế VAC khép kín hiện mang lại cho gia đình bà Hiến tổng thu trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.