Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Cần sát thực tế hơn
20:13, 27/06/2020
Để giúp doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi của dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Thế nhưng, có một số chính sách hầu như chưa thể phát huy tác dụng như mong muốn.
Đầu tiên có thể kể đến gói hỗ trợ DN trả lương ngừng việc cho người lao động. Cụ thể theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc với người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Số tiền dự kiến để thực hiện chính sách hỗ trợ này lên đến 16 nghìn tỷ đồng. Theo hướng dẫn của NHCSXH, để tiếp cận được gói tín dụng này, DN phải đáp ứng những điều kiện: Có 20 - 30% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6-2020; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 31-12-2019... Mặc dù gói tín dụng này có hiệu lực từ cuối tháng 4-2020, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được món vay nào.
Nhân viên Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện kiểm tra sức khỏe của người lao động trước khi vào khuôn viên đơn vị |
Theo đại diện NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk, trước khi có hướng dẫn thực hiện, đã có một số DN tìm hiểu thông tin, nhưng khi có hướng dẫn cụ thể thì không có DN nào “đả động” đến gói tín dụng này. Theo tìm hiểu, hầu như rất hiếm DN đáp ứng đủ tất cả những điều kiện để được vay vốn. Tuy nhiên, nếu đáp ứng được điều kiện thì DN cũng không “mặn mà” do số tiền vay được là không nhiều, bởi đa phần DN trên địa bàn là DN nhỏ và siêu nhỏ, số lượng lao động không nhiều.
Người lao động tại một đơn vị chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Súp |
Một chính sách hỗ trợ DN khác cũng đang được dư luận quan tâm là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DN nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể theo đề xuất của Chính phủ sẽ giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất thì sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế TNDN tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020. Đại diện một số DN cho rằng, số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 thì đã phải hoàn thành trước tháng 3-1020. Trong khi đó, miễn, giảm, gia hạn số thuế TNDN tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020 cũng không khả thi, bởi thuế TNDN là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của DN. Thế nhưng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh của DN hầu như “đóng băng” thì rất khó phát sinh doanh thu để tính thuế TNDN. Nói cách khác, nếu không có chính sách miễn, giảm thì DN cũng không phát sinh doanh thu để đóng thuế.
Nhập nguyên liệu sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương Đắk Lắk |
Có thể nói rằng, chính sách hỗ trợ tín dụng hay miễn, giảm thuế TNDN là đúng đắn và kịp thời, bởi nếu DN nào phát huy được sẽ có thêm "điểm tựa" để "bật dậy" sau giai đoạn khó khăn. Thế nhưng xét một cách tổng thể, có rất ít DN có thể tận dụng được những chính sách hỗ trợ này. Do đó, ngoài miễn, giảm thuế thì phải tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi hơn trong việc “thiết kế” những gói tín dụng để DN dễ dàng tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất. Quan trọng hơn là phải có chính sách hỗ trợ, vực dậy thị trường, từ đó DN nhỏ, siêu nhỏ có khách hàng và thị trường mạnh hơn, kích thích trở lại cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc