Giá heo trong nước tăng cao, thịt nhập khẩu vẫn khó tiêu thụ
Trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, tình trạng tái đàn diễn ra chậm dẫn đến giá thịt heo bị đẩy lên cao thì việc tăng nhập khẩu mặt hàng này là một trong những giải pháp được đưa ra. Vấn đề ở chỗ, thịt đông lạnh vẫn kén người mua, ít người chọn sử dụng bởi “chưa quen”.
Mặc dù Chính phủ đã có yêu cầu giảm giá heo hơi về còn 70.000 đồng/kg, nhưng thịt heo trên thị trường vẫn không giảm. Tính đến thời điểm này, giá thịt heo trong cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn liên tục “leo thang”. Theo khảo sát, tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thịt ba chỉ vẫn “neo” ở mức 170.000 đồng/kg, thịt đùi 165.000 đồng/kg, sườn non 185.000 đồng/kg. Theo nhiều tiểu thương ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, giá thịt heo vẫn đang ở mức cao, thậm chí gần bằng với thịt bò nên sức mua giảm nhiều. Chị Nguyễn Thị Khuyên, tiểu thương hàng thịt ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, chị đã cắt giảm nhiều lợi nhuận để kéo khách hàng, nhất là khách mua sỉ, nhưng tình hình kinh doanh mặt hàng này vẫn khá chậm.
Khách hàng tìm hiểu các loại thịt đông lạnh bày bán tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột. |
Dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để kéo giảm giá thịt heo xuống mức phù hợp, nhưng vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực. Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, chi phí các khâu trung gian vẫn còn cao dẫn đến giá thịt heo thành phẩm bán ra trên thị trường ở ngưỡng cao. Khi giá thịt heo tăng cao, có nhiều giải pháp đưa ra là tăng đàn, tái đàn để bảo đảm nguồn cung; kiểm soát và từng bước cắt giảm chi phí các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường... Cùng với đó là giải pháp tăng nhập khẩu thịt heo để cân đối nguồn cung. Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhận định, nhập khẩu thịt heo phần nào giải quyết được vấn đề nguồn cung trong thời điểm này. Sở đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tăng nhập khẩu mặt hàng thịt heo chất lượng để phục vụ người tiêu dùng địa phương.
Để góp phần bảo đảm nguồn cung và nhanh chóng bình ổn giá, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã đưa vào bán thịt nhập khẩu đông lạnh các loại, trong đó có thịt heo. Theo đại diện Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, thịt nhập khẩu đông lạnh được đơn vị triển khai bán từ nhiều năm nay. Đặc biệt, trước tình hình giá thịt heo trong nước ở mức cao, siêu thị tăng cường nhập khẩu thịt heo về bán để bảo đảm nguồn cung trong mọi trường hợp. Nhằm giúp người dân quen dần với thịt heo đông lạnh, siêu thị này đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu cũng như triển khai chương trình ưu đãi giảm giá để nhiều khách hàng được biết đến và chọn mua thịt đông lạnh hơn. Tương tự, tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, các sản phẩm heo nhập khẩu đông lạnh bán ra khá phong phú như chân heo, thịt vai, sườn heo… xuất xứ châu Âu, châu Mỹ, có giá chỉ bằng 60 - 70% so với thịt heo trong nước. Cụ thể, thịt nạc đùi heo nhập khẩu Canada có giá 149.900 đồng/kg, cốt lết heo 107.900 đồng/kg, nạc vai heo xuất xứ Mỹ có giá 144.900 đồng/kg, ba chỉ heo nhập khẩu Đức 137.000 đồng/kg, sườn non heo nhập khẩu Brazil 129.900 đồng/kg…
Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột khẳng định, thịt nhập khẩu bán ra tại siêu thị được cấp đông theo quy trình có chứng từ hồ sơ và kiểm định đầu vào theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước. |
Dù chất lượng thịt nhập khẩu được các siêu thị cam kết bảo đảm, nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tin tưởng sử dụng. Tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, lượng khách hàng mua thịt đông lạnh nhập khẩu về sử dụng không nhiều, số lượng tiêu thụ mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 10 - 20% so với thịt tươi. Giữa hai loại thịt heo bán ra tại siêu thị, nhiều người vẫn chọn thịt tươi sống để sử dụng vì cho rằng “ngon” mắt và an toàn. Tương tự, tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, trong giai đoạn cao điểm vừa qua, sức mua thịt đông lạnh cũng không có biến động lớn. Hiện đầu ra cho thịt đông lạnh ở siêu thị này chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp, các nhà hàng, quán ăn mua về chế biến. Trong khi đó, lượng khách lẻ mua thịt nhập khẩu đông lạnh chiếm số ít do thói quen chuộng thịt tươi. Và không chỉ riêng thịt heo, các loại thịt nhập khẩu đông lạnh khác như thịt bò, gà… cũng có số lượng khách lẻ tiêu thụ khiêm tốn, dù giá rẻ hơn nhiều so với thịt tươi sống.
Thực tế cho thấy, chủ trương nhập khẩu thịt đông lạnh để giảm áp lực nguồn cung thịt heo tươi sống trong nước của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ không dễ dàng bởi nhiều người dân vẫn còn nghi ngại và chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh. Rõ ràng, tâm lý của người dân về thịt heo nhập khẩu đông lạnh đang là vấn đề rất cần được giải quyết sớm. Thiết nghĩ, bên cạnh cung cấp đầy đủ thông tin để người dân yên tâm tin dùng, việc thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi từ thói quen sử dụng thịt tươi sang dùng thịt đông lạnh cần thời gian, sự tuyên truyền và định hướng liên tục.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc