Multimedia Đọc Báo in

Khi nắng nóng thành tài nguyên

17:16, 11/06/2020
Đầu tư năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên “hot” như tên gọi của nó khi nguồn tài nguyên hóa thạch, tài nguyên nước (than đá, dầu mỏ, khí đốt…) tỷ lệ nghịch với đà tăng dân số và nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
 
Nắng nóng đã trở thành kho báu vô tận khiến nhà đầu tư (NĐT) nội lẫn ngoại hăng hái tìm mọi cách nhảy vào khai thác tiềm năng này. 
 
Nắng nóng hấp dẫn nhà đầu tư
 
Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo. Vị trí đó đã tạo cho Việt Nam có một nền nhiệt độ cao, trung bình từ 22ºC đến 27ºC; hằng năm có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.000 mm; độ ẩm không khí trên dưới 80%; số giờ nắng khoảng 1.500 - 2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm².
 
Nguồn ánh sáng dồi dào, giá hấp dẫn kèm theo những chính sách ưu đãi đầu tư đang trở thành hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong hai năm trở lại đây, thị trường chứng kiến làn sóng đổ bộ các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Theo số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) tính đến giữa năm 2018 đã có 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và 1.770GW những năm sau đó. Còn các dự án điện mặt trời trên mái nhà cũng có 748 dự án với tổng công suất 11,55MW.
 
Trang trại pin điện mặt trời dưới chân Núi Cấm.
Trang trại pin điện mặt trời dưới chân Núi Cấm.
 
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không  ít NĐT ngoại  lựa chọn hình thức nhận chuyển nhượng dự án từ NĐT nội sau khi vận hành thay vì xin cấp phép đầu tư ngay từ đầu. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là "hiện tượng bình thường". Bởi vì, Luật Đầu tư cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện. Mặt khác, các dự án năng lượng mặt trời còn hấp dẫn NĐT ngoại nằm ở chỗ chính sách giá FIT (giá bán điện cố định của dự án điện mặt trời) bởi dù giá đã giảm về 7,09 cent một kWh so với mức 9,35 cent trước đây nhưng vẫn là mức giá hấp dẫn.
 
Thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng mức giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng một kWh trong 20 năm. 

Ở các dự án năng lượng (than, khí) theo hình thức BOT, thường hồ sơ đầu tư yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án, nhưng với các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) thì hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Và đây chính là điểm thu hút đầu tư vào ngành điện. Thông thường, các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án nhằm giảm rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn đầu như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của các cấp chính quyền...

1
Một góc của khu du lịch Điện mặt trời An Hảo có 100% vốn của nhà đầu tư nội. 

Biến hóa đầu tư

Đến giữa tháng 5, tổng cộng 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án điện gió, với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại.
 
Việc nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án hoàn toàn là tín hiệu tốt đối với ngành điện. Tuy nhiên, tình trạng nhà đầu tư trong nước sớm bán lại cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
 
Theo các chuyên gia, tình trạng nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư trực tiếp mà chỉ chờ mua vốn lại của các công ty trong nước nếu không được kiểm soát chặt chẽ rất dễ dẫn đến tình trạng họ dễ dàng trở thành chủ, chi phối dự án, doanh nghiệp ở nhiều nơi. Do vậy, Nhà nước cần sớm có cơ chế bảo vệ NĐT trong nước thực thụ, giúp họ phát triển giữ đất. 
Ngọc Lê

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.