Làm nông nghiệp thuận tự nhiên
Một khu vườn nhiều tầng tán xanh mát, dưới gốc được bao bọc bởi những lớp cỏ dại chen nhau mọc là cảm nhận của chúng tôi khi tham quan mô hình kinh tế của anh Nông Văn Công (ở thôn Cao Bằng, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc). Mô hình sản xuất theo lối canh tác thuận tự nhiên này được anh Công thực hiện 2 năm nay. Trước đó, anh Công canh tác truyền thống, tuy nhiên sau một thời gian nhận thấy phân bón hóa học, thuốc trừ sâu chính là một trong những tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống, nên anh quyết định chuyển hướng sang canh tác nông nghiệp hữu cơ sạch, bền vững.
Cây chuối sau khi thu hoạch được anh Nông Văn Công (huyện Krông Pắc) tận dụng để tăng sinh khối cho vườn. |
Với 2 ha xen canh cà phê và các loại cây ăn trái: sầu riêng, bơ, na, nhãn, xoài, anh Công xây dựng hệ sinh thái thu nhỏ bằng cách tạo ra nhiều lớp tầng tán. Anh trồng xen các loại cây gỗ như keo, muồng… để che bóng vào mùa khô. Mùa mưa, anh Công cắt tỉa và tận dụng số cành, lá đã cắt làm dưỡng chất hữu cơ, tăng sinh khối cho vườn. Ngoài ra, anh còn trồng thêm cỏ vertiver, muồng vàng, cúc quỳ… để cố định đạm, làm giàu cho đất; và trồng xen dứa, khoai lang, khoai môn để tăng thu nhập. Chuyển phương pháp canh tác mới, anh Công ngưng hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học cho cây trồng, thay vào đó anh tận dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi đem ủ hoai vi sinh để bón bổ sung cho cây trồng. Anh Công chia sẻ: “Mô hình vườn rừng giúp vườn cây quanh năm mát mẻ, cho sản phẩm nông sản sạch bảo đảm chất lượng. Nhờ cách làm này, hơn 1 năm trở lại đây, chi phí đầu tư chăm sóc cho khu vườn “gần như bằng 0”, chỉ tốn khoản tiền mua cây giống”.
Tương tự, với 1,8 ha thuần cà phê, năm 2015 anh Vũ Mạnh Đường (ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) quyết định chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ. Thời gian đầu, anh Đường cải tạo vườn cà phê bằng cách không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh. Sau đó, anh Đường bỏ độc canh cà phê, chuyển sang trồng các loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, xoài, mít, mãng cầu, muồng, đinh lăng, đến những cây ngắn ngày như chuối, đậu đen… để tạo nhiều tầng, tán cho khu vườn. Trên những nhánh cây ngang tầm với, anh Đường còn cấy nhiều loại lan rừng với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái phong phú như trong tự nhiên.
Cấy lan rừng lên thân cây làm đa dạng hệ sinh thái khu vườn của anh Vũ Mạnh Đường (huyện Krông Ana). |
Các loại cây cao, tán lớn thường xuyên được anh Đường cắt tỉa và tận dụng làm phân hữu cơ. Cỏ dại được nuôi để tủ ẩm gốc cây và giữ lớp keo đất, chống xói mòn. Phía cuối vườn, anh Đường nuôi thêm ao cá và trồng lúa để sử dụng trong gia đình. “Nhờ vào hướng canh tác mới, khu vườn sinh thái đã cho ra nguồn nông sản sạch. Vụ mùa trước, tôi đã áp dụng cách thức thu hái, chế biến cà phê theo hướng làm cà phê đặc sản, giúp nâng cao giá trị gấp 3 lần so với cách làm truyền thống” - anh Đường cho hay.
Làm nông nghiệp thuận tự nhiên, anh Công, anh Đường là những “nhà nông hiện đại” đã trải nghiệm và thấy được hiệu quả với mô hình hệ sinh thái vườn rừng nông - lâm kết hợp các loại cây dài ngày, ngắn ngày, cây dược liệu, các loại rau, củ... Theo các anh, khi chất lượng nông sản được đề cao, không chỉ nâng cao giá trị nông nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc