Doanh nghiệp dồn sức khôi phục sản xuất sau dịch bệnh
Dịch bệnh Covid-19 đang tạm lắng. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) của tỉnh đang tập trung khôi phục sản xuất và chờ đợi bứt phá vào những tháng cuối năm.
Ảnh hưởng nặng bởi "cơn bão" dịch bệnh...
Dịch bệnh khiến nhiều ngành kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có không ít khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng bị “gãy” đoạn. Ông Võ Thành Long, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Dịch bệnh xảy ra, doanh thu giảm mạnh, hoạt động sản xuất thời điểm đó đứng trước nhiều khó khăn. Nguồn cung nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chỉ đạt 60% so với bình thường. Trong tháng 3 và tháng 4, khối lượng tiêu thụ giảm gần 40% so với trước. Điều nan giải nhất với DN là trong hoàn cảnh đó, làm sao vẫn phải duy trì sản xuất, tạo việc làm, bảo đảm chế độ cho người lao động. Tuy đã rất cố gắng, nhưng vẫn có 2% lao động của công ty đành phải tạm ngừng công việc.
Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á |
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), dịch bệnh xảy ra khiến các cửa khẩu đóng cửa, hoạt động giao thương với đối tác nước ngoài bị gián đoạn. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của công ty cho hay, trước đây DN xuất khẩu cà phê hòa tan và cà phê hạt rang sang thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này đang tạm gián đoạn để chống dịch. Các đơn hàng xuất khẩu của công ty hầu như không có trong suốt thời gian dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, DN chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa để duy trì hoạt động sản xuất.
Theo Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh là 5.887 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 32,5% kế hoạch năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu 250 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu giảm như: hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm ong, sản phẩm sắn, cà phê…
Kỳ vọng bứt phá
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, nhiều DN đã chủ động thực hiện các giải pháp, tìm cơ hội để vực dậy sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng.
Theo ông Võ Thành Long, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, thời điểm này, nhu cầu cung ứng thép cho ngành xây dựng đang có dấu hiệu tăng. Riêng trong tháng 6 vừa qua, sản lượng hàng bán ra của đơn vị đã tăng được 20% so với giai đoạn dịch bệnh. Có đơn hàng, DN có doanh thu, công nhân có việc làm. Đây là dấu hiệu khởi sắc, tạo đà cho kỳ vọng bứt phá vào những tháng cuối năm. Trên đà đó, khí thế lao động mới được lập lại, công ty tiếp tục tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm, nhân sự để đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác. “Quyết sách của công ty là tập trung sản xuất thép theo các quy trình, tiêu chuẩn đã được chuẩn hóa, theo công nghệ sản xuất xanh và tăng cường tính liên kết để thúc đẩy sản xuất. DN chấp nhập đầu tư chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sản xuất thép...” - ông Long nói. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chính của đơn vị là các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, để nối lại thị trường, công ty sẽ tập trung hơn cho các dịch vụ chăm sóc khách hàng, đại lý, đẩy mạnh tiếp thị và chủ động tháo gỡ khó khăn đối với những thị trường đã được định hình này. Trong chiến lược phát triển của mình, từ nay đến cuối năm, Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á cũng tính đến việc chủ động mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc. Đây được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng, song sức cạnh tranh với các DN cùng ngành cũng quyết liệt hơn.
Chế biến cà phê bột tại Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt |
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt, chính sự đứt gãy của chuỗi cung ứng quốc tế khiến DN phải nghĩ cách "làm mới" mình để thích ứng. Đơn vị bắt đầu chú trọng tìm hiểu nhu cầu, “gu” thưởng thức cà phê của người tiêu dùng trong nước, từ đó liên kết với các công ty lớn để gia công cà phê hòa tan phục vụ thị trường nội địa. Nhờ tiếp cận kịp với xu hướng tiêu dùng đã góp phần giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng. Đầu tháng 5 vừa qua, hoạt động xuất khẩu tại đơn vị cũng được kết nối lại, với lô hàng 20 tấn cà phê hòa tan. Ở thị trường nội địa, lượng tiêu thụ cũng đã tăng 15% so với trước. Chỉ tính riêng trong tháng 6, công ty đã gia công nội địa 100 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt cho hay, trong thời điểm dịch bệnh, công ty tập trung vào thị trường nội địa và tìm thấy nhiều “điểm sáng”. Do đó, định hướng trong thời gian tới của đơn vị vẫn là chú trọng “đánh” sâu vào thị trường trong nước. Với đà tăng trưởng tốt sau dịch bệnh, DN sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với khách hàng, tích cực tìm kiếm đối tác, tăng cường kết nối với các DN cùng ngành. Mặt khác, Công ty cũng đầu tư dây chuyền sản xuất, làm ra sản phẩm có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. DN đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt mức cung ứng 300 tấn hàng/tháng, tăng gấp 3 lần so với hiện tại.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đồng hành với DN khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, Sở và các ngành hữu quan tiếp tục phối hợp tập trung hỗ trợ DN tìm kiếm, cung cấp thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ, lưu thông hàng hóa để DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp… |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc