Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát chặt thị trường trang thiết bị vật tư y tế

09:07, 31/07/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những ngày gần đây, nhiều người dân tìm đến mua các vật tư y tế phòng, chống dịch.  Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để "găm" hàng, đội giá lên cao, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động vào cuộc kiểm tra, kiểm soát.
 
Hiện tại, thị trường các loại vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch đang trở nên sôi động trở lại. Mặt hàng được người dân tìm mua nhiều nhất vẫn là khẩu trang y tế.

Tại các nhà thuốc lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như Thái Bình, Hòa Bình, Phương Trang, An Tâm… những ngày qua có rất đông người dân đến hỏi mua khẩu trang y tế.  Do nhu cầu tăng cao nên nhà thuốc Phương Trang (số 1 Lý Thường Kiệt) chỉ bán cho mỗi khách 1 gói (10 chiếc) với giá 15.000 đồng để tránh tình trạng thiếu cục bộ.

Tương tự, tại nhà thuốc Hòa Bình (104 Y Jút), chỉ trong chiều 26-7 đã bán hết 5.000 chiếc khẩu trang y tế với giá không đổi, 60.000 đồng/hộp 50 chiếc (tùy loại). Chị Trần Ngọc Lan Anh, nhân viên nhà thuốc cho hay, lượng khách có nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn liên tục tăng từng ngày. Tuy nhiên hiện tại, nhà thuốc đã hết mặt hàng khẩu trang y tế và đang tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng bảo đảm chất lượng với giá  hợp lý nhập về để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Kiểm tra nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào, nhãn mác khẩu trang tại Công ty TNHH Đông Nam dược Trung Vinh.
Kiểm tra nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào, nhãn mác khẩu trang tại Công ty TNHH Đông Nam dược Trung Vinh.

Nhu cầu mua khẩu trang y tế trên thị trường đang tăng lên rất mạnh, trong khi đó, khẩu trang vải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được các nhà thuốc bày bán nhưng lại không có nhiều người hỏi mua. Chị Lan Anh cho biết, loại khẩu trang vải kháng khuẩn có giá 20.000 đồng/cái, giặt bằng xà phòng sau mỗi lần sử dụng và có thể tái sử dụng tối đa 30 lần. Nhà thuốc đang có chương trình mua 5 tặng 1, thế nhưng lại ít khách hỏi mua.

Tại cửa hàng dụng cụ y khoa An Khang (50 Y Jút), khẩu trang vải kháng khuẩn cũng có giá dao động từ 15.000 -  20.000 đồng/chiếc, nguồn hàng được nhà thuốc nhập về dồi dào với lượng dự trữ hiện tại hơn 1.000 chiếc, vẫn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và bảo đảm phòng, chống dịch, song ít người mua.

Để kịp thời có đủ nguồn cung cho thị trường, Công ty TNHH Đông Nam dược Trung Vinh (trụ sở chính tại số 17 Y Ngông, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất để kịp cung ứng nguồn khẩu trang y tế đạt chuẩn ra thị trường.  Hiện mỗi ngày doanh nghiệp này sản xuất hơn 20 thùng (loại 50 hộp/thùng) khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế 3 lớp, 4 lớp, trong đó có cung ứng cho nhiều nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trung Nhật, Giám đốc công ty cho biết, giá khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế bán sỉ cho các đại lý, nhà thuốc dao động từ 28.000 - 36.000 đồng/hộp 50 chiếc (tùy loại), chưa tính thuế VAT. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng lên từng ngày, buộc trong những ngày tới, giá khẩu trang bán ra sẽ tăng theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cam kết, sẽ không tăng quá 30% so với giá hiện tại.

Nhà thuốc Hòa Bình (TP. Buôn Ma Thuột) ký cam kết không tăng giá vật tư y tế.
Nhà thuốc Hòa Bình (TP. Buôn Ma Thuột) ký cam kết không tăng giá vật tư y tế.

Ghi nhận trong những ngày qua trên địa bàn, có rất nhiều người dân đổ xô đi mua trang thiết bị, vật tư y tế. Đến chiều ngày 29-7, ngay sau khi có thông tin ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn tỉnh, sức mua mặt hàng này càng “nóng” hơn. Các loại nước sát khuẩn, nước rửa tay có nguồn cung khá dồi dào, giá vẫn giữ nguyên như ngày thường, từ 28.000 - 65.000 đồng/chai, loại 250ml và 650 ml. Riêng khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế, một vài nhà thuốc đã nhập được hàng để bán trở lại (tuy không nhiều) phục vụ người dân với giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/hộp (tùy loại). Tình trạng khan hiếm hàng tạm thời cũng đã xảy ra đối với mặt hàng khẩu trang y tế.

 
Mang khẩu trang không phải là biện pháp duy nhất hiệu quả mà cần phải kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên, làm sạch và khử trùng các bề mặt hay chạm vào, giữ khoảng cách giao tiếp xã hội".
 
  PGS.TS.BS. Bùi Quốc Thắng (nguyên Phó Trưởng bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh)

Qua khảo sát, nhiều nhà thuốc cho biết đang tiếp tục nhập hàng về để bán. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, giá hợp lý và nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời gian tới, hy vọng các doanh nghiệp, nhà thuốc sẽ cung ứng ra thị trường lượng khẩu trang, vật tư y tế cần thiết bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Để ngăn chặn hành vi trục lợi từ việc tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế thời điểm này, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đã sớm chủ động vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk cho biết, dự báo được nhu cầu tiêu dùng các loại trang thiết bị phòng, chống dịch sẽ tăng cao, từ ngày 26-7, Cục đã đồng loạt ra quân kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh không "găm" hàng, hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo đối với các loại hàng hóa thiết yếu, vật tư y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn... nhằm trục lợi.

Sau bốn ngày ra quân, đến ngày 30-7, lực lượng QLTT đã kiểm tra, yêu cầu 63 doanh nghiệp, nhà thuốc ký cam kết bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị vật tư y tế. Ông Toàn chia sẻ: “Hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện nhà thuốc nào cố tình lợi dụng nhu cầu tăng cao để đẩy giá các thiết bị y tế.  Cùng với kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, đạo đức của người kinh doanh, không lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đồng bào mình. Đối với cơ sở kinh doanh vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Về phía người tiêu dùng, chúng tôi kêu gọi, khuyến khích người dân tiếp tục sử dụng khẩu trang vải thay thế cho các loại khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, vừa giảm áp lực của thị trường vừa tạo xu hướng mới nhằm triệt tiêu mưu đồ "găm" hàng trục lợi của các cơ sở kinh doanh có lối làm ăn không lành mạnh”.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.