Multimedia Đọc Báo in

Liên kết giúp nhau phát triển sản xuất

14:16, 04/07/2020

Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, sản phẩm thường bị thương lái ép giá, một số nông hộ ở thôn Quảng Cư 1B, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác phát triển ca cao nhằm đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.

Thôn Quảng Cư 1B là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất ít, đa phần là vườn tạp, vườn cà phê già cỗi. Thực hiện chủ trương của địa phương, người dân trên địa bàn thôn đã chuyển đổi sang trồng cây ca cao từ năm 2007. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm, của ai nấy bán nên hiệu quả thấp. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar và UBND xã Cư Ni, thôn Quảng Cư 1B đã thành lập Tổ hợp tác phát triển ca cao với sự tham gia của 18 thành viên, tổng diện tích 12 ha. Tổ hợp tác đã trở thành “bà đỡ” giúp các nông hộ phát triển cây ca cao bền vững.

Tổ trưởng tổ hợp tác phát triển ca cao thôn Quảng Cư 1B (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) Nông Thị Duyến kiểm tra chất lượng hạt ca cao lên men của hộ thành viên.
Tổ trưởng tổ hợp tác phát triển ca cao thôn Quảng Cư 1B (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) Nông Thị Duyến kiểm tra chất lượng hạt ca cao lên men của hộ thành viên.

Gia đình ông Hồ Sỹ Tịnh có 1,2 ha đất trồng 1.000 cây ca cao từ năm 2007. Khi có chủ trương liên kết thành lập tổ hợp tác, ông đăng ký tham gia ngay từ những ngày đầu. Vào tổ hợp tác, gia đình ông được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vườn cây, thu hoạch, sơ chế, mua phân bón trả chậm. Nhờ vậy, sản lượng đã tăng từ 1,2 tấn hạt khô/năm lên 1,5 tấn/năm, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, gia đình chị Nông Thị Đẹp ở thôn Quảng Cư 1A trồng 3 sào ca cao với sản lượng 2 tạ hạt khô/năm. Từ khi tham gia tổ hợp tác cuối năm 2017, gia đình chị đã được hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá bán cao hơn thị trường. Chị Đẹp cho biết: “Ban đầu gia đình tôi cũng ngần ngại, chưa muốn tham gia nhưng khi hiểu rõ cách thức hoạt động và những lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế nên đã chủ động xin vào Tổ hợp tác phát triển ca cao”.

Sau 8 năm thành lập, Tổ hợp tác phát triển ca cao thôn Quảng Cư 1B đã chứng minh được vai trò, hiệu quả trong phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Tổ hợp tác đã liên kết các hộ để tổ chức sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, học tập và giúp nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên.

Sản phẩm hạt ca cao cảu gia đình chị Nông Thị Đẹp (thôn Quảng Cư 1 A, xã Cư Ni) bán được giá cao hơn sau khi tham gia Tổ hợp tác phát triển ca cao.
Sản phẩm hạt ca cao củ gia đình chị Nông Thị Đẹp (thôn Quảng Cư 1 A, xã Cư Ni) bán được giá cao hơn sau khi tham gia Tổ hợp tác phát triển ca cao.

Bà Nông Thị Duyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác phát triển ca cao thôn Quảng Cư 1B cho biết, để liên kết phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, Tổ hợp tác đã giúp nông dân mua phân bón trả chậm, đứng ra thu gom sản phẩm của các hộ thành viên, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, không bị ép giá, giá thu mua cao hơn thị trường. Khi đạt sản lượng cao, chất lượng sản phẩm tốt, Tổ hợp tác còn được hưởng thêm từ 3-5 nghìn đồng/kg hạt ca cao, giúp tổ có thêm nguồn quỹ hoạt động.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Đông, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, hoạt động của Tổ hợp tác phát triển ca cao thôn Quảng Cư 1B đã góp phần tổ chức sản xuất cây ca cao trên địa bàn theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng ca cao. Thông qua hoạt động của tổ hợp tác, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng ca cao bền vững và hỗ trợ, liên kết phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác. Nhờ vậy đời sống của các gia đình thành viên trong tổ ngày càng nâng cao.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.