Multimedia Đọc Báo in

Nhiều lợi ích từ mô hình đa canh

05:41, 07/07/2020

Đa dạng hóa cây trồng, nhất là cây ăn trái trong vườn cà phê không chỉ giúp nhiều nông dân ở xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) cải thiện thu nhập mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Hơn 20 năm rời quê hương Bình Định đến gắn bó với mảnh đất Dliê Ya, anh Nguyễn Ngọc Sang (buôn Ea Ruế) chủ yếu trồng cây nông nghiệp. Những ngày đầu, không có vốn, không có kinh nghiệm anh chỉ biết chăm sóc những cây cà phê có sẵn, nuôi thêm heo, trồng thêm một số rau màu, đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2010, sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi, anh quyết định chặt bớt cà phê trồng xen thêm sầu riêng. Để phát triển bền vững, anh Sang thận trọng tính toán kỹ những bước đi trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm chọn giống ở những địa chỉ uy tín, trồng và chăm sóc một cách khoa học.

Anh Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ những kiến thức trong việc trồng sầu riêng.
Anh Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ những kiến thức trong việc trồng sầu riêng.

Từ kiến thức qua sách vở và thực tế, anh nắm được đặc tính cây sầu riêng và đặc điểm những loại sâu bệnh hại cây nên đưa ra hướng phòng bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, anh luôn cố gắng theo dõi thời tiết để tưới nước cho phù hợp giúp cây phát triển, nhất là vào mùa khô hạn… Nhờ vậy, đến nay, trên diện tích 8 sào vườn anh Sang có 170 cây sầu riêng đang cho thu khoảng 15 tấn trái/năm, giá bán thời điểm cao nhất là 90.000 đồng/kg. Trên diện tích này anh cũng trồng thêm chanh dây, bơ booth…

Anh Sang cho biết, việc trồng xen cây ăn trái vào vườn cà phê mang lại nhiều lợi ích, vừa chăm bón cây cà phê, sẵn tiện trồng những cây khác nên lợi hơn về phân bón và công lao động. Các cây khác không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vì có nhiều nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, gia đình anh Sang đã mua thêm 1 ha đất chuyên trồng sầu riêng với 400 cây, chăm sóc đặc biệt, áp dụng kỹ thuật cao nhằm thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, lựa chọn năng suất trái ngay từ khi mới ra bông để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Dliê Ya Nguyễn Tôn Trọng (giữa) thăm vườn cây đa canh  của gia đình ông Phan Phi Phong.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Dliê Ya Nguyễn Tôn Trọng (giữa) thăm vườn cây đa canh của gia đình ông Phan Phi Phong.
 

"Trước sự biến đổi phức tạp của khí hậu, môi trường thì việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn mô hình đa canh là cần thiết, không chỉ tránh được tình trạng mất mùa, thất thu… mà còn có tác dụng cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm tài nguyên, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững".

 

 
Ông Nguyễn Tôn Trọng,   Chủ tịch Hội Nông dân xã Dliê Ya

Cùng buôn với anh Sang, ông Nguyễn Phi Phong cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường từ nhiều năm nay. Trên diện tích 1 ha đã trồng cà phê, ông trồng thêm một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng và mắc ca. Ông Phong cho hay, nhờ trồng nhiều loại cây nên có thu nhập vào nhiều thời điểm trong năm, mùa nào trái nấy. Hơn nữa, nếu trường hợp bị mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết hoặc mất giá của loại cây này thì còn có loại cây kia bù lại, không sợ mất trắng, thất thu. Hiện nay, trên diện tích 1 ha, gia đình ông thu khoảng 4 tấn cà phê/năm; sầu riêng, bơ đang bắt đầu cho thu hoạch.

Không chỉ chịu khó tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông Phong còn sáng tạo, ứng dụng linh hoạt những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình làm nông để chăm sóc vườn cây, giúp cây phát triển bền vững và cho năng suất cao. Với mỗi loại cây, mỗi mùa trong năm có chế độ chăm sóc phù hợp. Đối với cà phê cần làm cành, làm chồi sớm để cây có sức nuôi quả, bón phân bằng cách hòa vào nước tưới thì cây sẽ hấp thụ tốt hơn… Ông Phong cũng là một trong số ít nông hộ thực hiện tưới cây bằng hệ thống phun điều khiển bằng điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm nước, đáp ứng đủ nước tưới cây nhất là trong mùa khô, hạn hán… Đây cũng là sự thích ứng của người nông dân trước biến đổi khí hậu.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc