Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ

08:20, 21/07/2020

Đắk Lắk đang cấp bách thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi để phát huy tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện diễn ra khá chậm vì phải đối mặt với nhiều bất cập.

Vướng đủ thứ

Đắk Lắk được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Theo đó, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì tương đối ổn định, riêng chăn nuôi heo đứng thứ bảy cả nước về quy mô đàn. Kết quả sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020 cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm 2019, chăn nuôi của tỉnh tăng trưởng khá, đàn trâu ước 39.450 con (tăng 450 con); đàn bò ước 266.400 con (tăng 5.400 con); đàn heo ước 820 nghìn con (tăng 10 nghìn con); đàn gia cầm ước trên 12,5 triệu con (tăng 910 nghìn con)...

Chăn nuôi bò theo quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Lắk.
Chăn nuôi bò theo quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Lắk.

Mặc dù việc triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi được đẩy mạnh nhưng trong quá trình thực hiện, chính sách này gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước hết là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 75 - 80%). Bên cạnh đó, quy hoạch, quản lý, sử dụng quỹ đất dành cho sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện chưa hoàn thiện để có định hướng, hoạch định chiến lược chăn nuôi ổn định, lâu dài trong toàn tỉnh. Việc sử dụng tài nguyên đất đai của không ít địa phương cấp huyện còn thiếu tính bền vững, khả thi. Đồng thời, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thiếu tính khoa học, thiếu tính hệ thống, tính kết nối đồng bộ trong một tổng thể thống nhất hữu cơ từ việc hoạch định dành quỹ đất cho sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đến quỹ đất dành cho giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... theo chuỗi khép kín. Do vậy, nguy cơ về dịch tễ, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường rất hiện hữu.

Về cơ cấu vật nuôi còn nhiều điểm bất hợp lý, đó là Đắk Lắk phát triển mạnh về chăn nuôi gà và heo, nhưng giá gà luôn bất ổn, nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ. Trong khi đó, rất nhiều dự án chăn nuôi heo tăng nhanh theo sự leo thang của giá heo hơi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy luật cung - cầu, vỡ quy hoạch, nguy cơ thịt heo từ thái cực khủng hoảng thiếu đến khủng hoảng thừa. Mặt khác, chăn nuôi bò lại phát triển chưa tương xứng, chăn nuôi bò sữa gần như bằng không. Chăn nuôi bò thịt lại chủ yếu phát triển quy mô nông hộ, chăn nuôi công nghiệp chỉ có Công ty Sao Đỏ với khoảng gần 2 nghìn con bò Úc. Đây một điều bất hợp lý khi Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt; nhu cầu, thị trường về thịt bò, bò sữa còn rất lớn khi Việt Nam đã ký kết được 17 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất

Theo Sở NN-PTNT, để ngành Chăn nuôi Đắk Lắk phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới mong tháo gỡ được những "nút thắt" nội tại của ngành. Theo đó, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, bảo đảm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường. Ở những vùng có điều kiện phát triển nuôi con khác thì chuyển đổi, không nhất thiết phải chăn nuôi heo.

Chăn nuôi bò theo quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Lắk.
Trang trại nuôi gà trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.  

Sở cũng đã đề xuất tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong đó có lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y, với một số nội dung trọng tâm. Đó là, tạo điều kiện đặc thù để kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện những dự án để phát triển chăn nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, có tác dụng tương hỗ theo chuỗi giá trị khép kín như: dự án trang trại sản xuất giống gà, heo; dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; dự án nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi gắn với việc xây dựng thương hiệu và đầu ra của sản phẩm.

Hỗ trợ và thúc đẩy nhanh việc triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Liên doanh DHN Đắk Lắk (Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus) nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thành công Đề án vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả trên heo (dự kiến tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm thịt heo; xây dựng, phát triển các hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm chăn nuôi kiểu mới. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về lĩnh vực chăn nuôi và thú y ở cấp tỉnh, cấp huyện, các chủ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT, trước mắt Sở sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản về định hướng, chiến lược, quy hoạch, quản lý và sử dụng quỹ đất dành cho chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng đa con nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt là tạo cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, tín dụng, thuế… nhằm kêu gọi đầu tư dự án bò sữa, chính thức đưa bò sữa vào danh mục vật nuôi chủ lực của Đắk Lắk trong 5 năm tới.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc