Trao "cần câu" cần phù hợp với nhu cầu thực tế
Tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức mới đây tại xã Đắk Nuê (huyện Lắk), một đại biểu là đảng viên đã đọc hai câu thơ diễn tả thực trạng cấp cây, con giống cho hộ nghèo khiến cả hội trường chú ý: “Hoan hô các cụ trồng cây/ Mười cây chết chín, một cây gật gù”.
Để minh chứng cho những gì mình nói, vị đại biểu này đã thẳng thắn nêu lên thực trạng cấp cây giống, con giống tại địa phương mình thời gian qua. Điển hình như một con bò được cấp trị giá từ 15 - 20 triệu đồng nhưng con bò giống còn quá nhỏ, thậm chí chưa cai sữa mẹ, chưa ăn được cỏ nên rất khó chăm sóc. Hoặc có những đối tượng được cấp bò nhưng lại đang đau ốm, không có thời gian, điều kiện chăn nuôi. Đối với việc cấp cây giống như sầu riêng, chôm chôm, ban đầu người dân cũng rất phấn khởi vì sẽ góp phần cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập. Tuy nhiên, do cây giống kém chất lượng, trồng xong cũng chết dần chết mòn.
Cấp hạt giống cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa). |
Qua tìm hiểu được biết, vấn đề trên đã được đại biểu này phản ánh nhiều lần trong các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được cải thiện. Phương thức cấp cây, con giống cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn vẫn chưa được thay đổi, chủ yếu là áp từ trên xuống chứ không khảo sát nhu cầu thực tế của người dân.
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo phát triển sản xuất, hằng năm, các đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cấp phát giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Nhìn chung, chính sách này đã góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm việc trao “chiếc cần câu” ấy vẫn chưa phù hợp và hiệu quả.
Đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tại xã Đắk Nuê (huyện Lắk). (Ảnh minh họa) |
Để tránh lãng phí nguồn vốn cũng như bảo đảm ý nghĩa thiết thực của chính sách hỗ trợ người nghèo cần có sự giám sát, kiểm tra sát sao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn về tiến độ, tình hình triển khai ở địa phương. Đồng thời, ngành chức năng, địa phương nên tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, không nên thụ động, chỉ dựa vào báo cáo, có như vậy mới lựa chọn được mô hình phù hợp, xác định cây, con giống chủ lực để có hướng đầu tư hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, áp đặt từ trên xuống. Bên cạnh đó, người được thụ hưởng cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm được hỗ trợ. Được như vậy thì “chiếc cần câu” cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mới thực sự thiết thực, phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mạnh Quyền
Ý kiến bạn đọc