Vững vàng trên mặt trận kinh tế
Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh lại tiếp tục vững bước trên “mặt trận” kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong đó, có nhiều người đã vượt khó, đi lên từ hai bàn tay trắng, xây dựng thành công các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương.
Sau gần 4 năm (từ năm 1983 - 1986) tham gia bộ đội tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Trần Xuân Ba (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, mà khó nhất là thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông không nản lòng mà chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân trong vùng khác, tích cực nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng phát triển, cho năng suất cao, giúp ông từng bước vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Ba chăm sóc cây bưởi trồng xen trong vườn cà phê và tiêu. |
Sau hơn 30 năm miệt mài với công việc đồng áng, bây giờ ông Ba đã có khu vườn rộng khoảng 1 ha. Ông Ba cho hay, thời gian đầu gia đình chủ yếu trồng cà phê và tiêu, dần dần nhận thấy hai loại cây này cho giá trị kinh tế không lớn, giá cả lại bấp bênh; cùng với đó, xu thế thị trường đang phát triển mạnh cây ăn quả nên ông đã quyết định chặt bỏ bớt những trụ tiêu, cây cà phê già cỗi, sâu bệnh để đầu tư trồng xen thêm một số loại cây ăn trái. Hiện ngoài cây chủ lực là tiêu và cà phê, trong vườn còn có 100 cây sầu riêng, 70 cây bơ, 150 cây bưởi da xanh và 700 cây cau. Khu vườn được phủ kín bởi các loại cây trồng, hết vụ thu hoạch của loại cây này thì đến loại cây khác, tránh được rủi ro mất mùa mất giá như khi độc canh. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn đầu tư chăn nuôi, phát triển đàn heo với thời điểm nhiều nhất lên đến hàng trăm con.
Với mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Ba có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện nay, khu vườn của gia đình ông Ba được chính quyền xã Ea Blang chọn làm mô hình khu vườn kiểu mẫu trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tương tự, ông Mai Hoàng Văn (Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) từ hai bàn tay trắng giờ đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô, trang thiết bị trong gia đình đầy đủ. Năm nay, dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng hằng ngày ông vẫn bận rộn với công việc của Hội và chăm sóc ruộng vườn.
Ông Mai Hoàng Văn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với hội viên Hội Cựu chiến binh xã. |
Được biết, ông Văn từng có thời gian tròn 10 năm trong quân đội, tham gia truy quét Fulro trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (từ năm 1979 - 1989). Sau khi rời quân ngũ về làm kinh tế, cuộc sống khó khăn nên ông bàn với vợ rời TP. Buôn Ma Thuột đến khu vực xã Cư Né (huyện Krông Búk) thuê đất, phát cỏ để trồng cà phê. Một ngày làm việc của ông đều ở trên rẫy vườn, bắt đầu khi trời vừa tờ mờ sáng cho đến khi tối mịt.
Cứ thế, một mình ông ở trong căn nhà tạm trên rẫy chăm sóc hơn 4,5 ha đất rẫy để vợ ở TP. Buôn Ma Thuột yên tâm công tác và nuôi các con ăn học; mỗi khi phải thuê thêm nhân công làm cho kịp thời vụ ông vẫn tự quán xuyến hết việc cơm nước, nương rẫy. Mãi đến khoảng gần 10 năm nay, khi các con ăn học đến nơi đến chốn, ông mới thuê người chăm nom vườn rẫy để trở về thành phố quây quần bên vợ con. Tuy nhiên, vốn quen với công việc ruộng đồng nên ông lại mua hơn 1 ha đất gần nhà trên phố để trồng các loại cây ăn trái, hồ tiêu, lúa nước và đào ao nuôi cá.
Hiện nay, ông Văn đang canh tác 2,5 ha đất ở Cư Né, 1 ha đất rẫy, 2 sào lúa nước, 1 ao nuôi cá ở khu vực xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột). Đặc biệt, ông đang hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng 1 ha đất rẫy sang làm điện năng lượng mặt trời với chi phí đầu tư dự kiến trên 10 tỷ đồng.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc