Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ dê giống cho hộ nghèo

09:52, 02/08/2020
Những năm qua, chương trình hỗ trợ dê giống sinh sản do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) triển khai đã góp phần giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Không có đất sản xuất, công việc của vợ chồng lại không ổn định, con cái thường xuyên đau ốm nên gia đình chị Nguyễn Thị Thu (thôn Hiệp Hưng) gặp rất nhiều khó khăn, luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Trước hoàn cảnh đó, năm 2017 Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp đã hỗ trợ chị Thu 1 cặp dê giống sinh sản. Nhờ được chăm sóc, phòng bệnh đúng quy trình kỹ thuật, 2 con dê sinh sản được hỗ trợ ban đầu đã sinh ra thêm 14 dê con.  Nhờ nuôi dê, kinh tế gia đình chị Thu dần được cải thiện; đến năm 2019 đã vươn lên thoát được nghèo…
 
Tương tự, gia đình chị Lô Phương Miền (thôn Hiệp Tiến) cũng đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát được nghèo nhờ chăn nuôi dê. Chị Miền chia sẻ: “Gia đình có 3 sào cà phê nhưng đã già cỗi nên thu hoạch không đáng kể, công việc lại bấp bênh, con cái còn nhỏ nên nhà tôi nghèo lắm. May mắn là gia đình tôi được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp hỗ trợ 1 cặp dê giống và hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng bệnh. Từ nuôi dê mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, thoát được nghèo. Nếu không có sự hỗ trợ này, gia đình tôi sẽ không được như bây giờ”.
 
Gia đình  chị Nguyễn  Thị Thu  được hỗ trợ  dê để  phát triển kinh tế.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu được hỗ trợ dê để phát triển kinh tế.
Chương trình hỗ trợ dê giống sinh sản cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp triển khai từ năm 2017. Đây là một trong những hoạt động được hỗ trợ từ phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm” học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của địa phương. Tính đến nay, toàn xã đã có 78 hộ được hưởng lợi từ chương trình (mỗi hộ được hỗ trợ 1 cặp dê giống trị giá từ 3 - 5 triệu đồng).
 
Ngoài được hỗ trợ về dê giống, các hộ hưởng lợi còn được tư vấn, hướng dẫn cách thức làm chuồng, kỹ thuật chăn nuôi và các phương pháp phòng, trị bệnh cho đàn dê… Từ chăn nuôi dê, nhiều hộ trên địa bàn xã đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
 
“Nhiều hộ gia đình đã gây được đàn dê lên đến hàng chục con, từng bước cải thiện được cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, có 26 hộ đã thoát được nghèo bền vững, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống dưới 5%” - ông Hòa Mạnh Quân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp.
 
Trung Dũng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.