Khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ
08:55, 03/08/2020
Do tác động của áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh (từ đêm 30 đến 31-7), tập trung ở khu vực phía Tây và Tây Bắc. Mưa lớn đã khiến hàng nghìn héc ta cây trồng và hàng trăm ngôi nhà ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar bị ngập nặng.
Vùng biên Ea Súp tan tác vì lũ
Cơn mưa lớn kéo dài khoảng 4 giờ trong đêm 30-7 đã gây ra ngập lụt, thiệt hại nặng nề tại các xã của huyện vùng biên Ea Súp. Theo thống kê đến chiều 1-8, toàn huyện có gần 4.000 ha cây trồng, 926 ngôi nhà bị ngập, gần 20.000 con gia súc, gia cầm bị chết, hàng chục tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ước thiệt hại hơn 51 tỷ đồng. Ngày 1-8, theo ghi nhận tại các xã trên địa bàn huyện, nước lũ cơ bản đã rút, nhưng hậu quả cơn lũ để lại thì vẫn thể hiện rõ trên những cánh đồng tan tác và nhiều tuyến giao thông nham nhở.
Đang dọn dẹp lại nhà cửa sau cơn lũ, bà Nông Thị Anh (thôn 5A, xã Cư Kbang) cho biết, đến giờ bà vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cơn lũ vừa qua. “Lũ lên lúc nửa đêm, chúng tôi chỉ kịp kê mấy thứ đồ đạc lên cao. Đàn gà năm chục con bị nước cuốn trôi, bao gạo để ăn mấy ngày tới cũng không còn, nhà năm miệng ăn sắp tới chưa biết tính sao”, bà Anh lo lắng.
Anh Nông Văn Ngà (thôn 4B, xã Cư Kbang) cũng đang tất tả khắc phục vườn cây ăn trái vừa bị lũ tàn phá. Anh Ngà chia sẻ, gần 20 năm sinh sống ở vùng đất này nhưng giờ anh mới chứng kiến trận mưa lớn như vừa qua. Nước lũ lên rất nhanh trong đêm nên không kịp trở tay. 4 ha vườn vải, xoài, nhãn đang thời kỳ kinh doanh của gia đình anh bị cuốn trôi hoặc bật gốc, 4 sào ao cá đã lớn cũng trôi theo dòng nước lũ.
Đường liên huyện Ea Súp - Ea H'leo bị sạt lở. |
Đến chiều 1-8, nhiều khu vực tại xã Ea Rốk vẫn còn ngập trong nước. Địa phương này là vùng thấp, nước lũ từ các nơi đổ về nên bị thiệt hại nặng nhất. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, toàn xã có 237 ngôi nhà, hơn 1.000 ha cây trồng, 43 ha ao nuôi thủy sản bị ngập và gần 15.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Đặc biệt, 715 ha lúa của người dân bị ngập đa phần đang giai đoạn chuẩn bị làm đòng, có nguy cơ mất mùa, giảm năng suất.
Ngoài huyện Ea Súp, các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar cũng bị ảnh hưởng, nhiều diện tích cây trồng và một số hộ dân cũng bị ngập lụt. Tại huyện Cư M’gar, một số trục đường giao thông nông thôn ở các xã: Ea M’nang, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Ea Kpam, Quảng Tiến và thị trấn Ea Pốk bị nước tràn qua và xói lở rãnh thoát nước; có khoảng 263 ha cây công nghiệp, hoa màu và 6 ha ao cá bị ngập; hơn 10 hộ dân buôn Ea Ring (xã Cuôr Đăng) bị nước bùn ngập vào sân, nhà và giếng nước.
Tại huyện Buôn Đôn, theo số liệu sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện, có 162 ha cây trồng và 5 hộ dân (ở các xã Ea Wer, Ea Huar, Ea Bar) bị ngập; trục đường giao thông thôn 6 và buôn Rếch (xã Ea Huar) bị nước tràn qua...
Tập trung khắc phục thiệt hại
Trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế và thăm hỏi người dân, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, trước tình hình mưa lũ, Huyện ủy và UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các phòng, ban của huyện chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kiểm tra công tác vận hành hồ đập và các công trình có nguy cơ mất an toàn; huy động lực lượng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời, bảo vệ tài sản, vật nuôi.
Thường trực Huyện ủy Ea Súp kiểm tra tình hình mưa lũ tại xã Ea Rốk. |
Các lực lượng tại chỗ xuống địa bàn giúp bà con vận chuyển vật dụng, gia súc đến nơi an toàn, đồng thời di dời xong 100 hộ, bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của người dân. Trước mắt, huyện Ea Súp kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục diện tích cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhà ở của người dân và công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại.
|
Riêng huyện Buôn Đôn và Cư M’gar bị ảnh hưởng nhẹ hơn, hiện nước cũng đã rút hết. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các huyện Buôn Đôn và Cư M’gar đã phối hợp cùng lực lượng tại chỗ hướng dẫn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đồng thời, tuyên truyền bà con nâng cao cảnh giác khi có mưa lớn; tiến hành rà soát, thống kê lại thiệt hại sau mưa lũ.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và có phương án chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, hiện mực nước lũ đang xuống, tỉnh đã chỉ đạo cho huyện Ea Súp có phương án di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo các tổ, đội tiếp tục túc trực, hướng dẫn giao thông ở những nơi bị chia cắt do ngập lụt để bảo đảm an toàn đi lại cho người dân; rà soát các hồ đập bị hư hỏng chưa được sửa chữa để có phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập.
Minh Minh
Ý kiến bạn đọc