Tăng thêm thu nhập từ cây đậu phộng
Cây đậu phộng ngoài việc mang lại thu nhập, góp phần giảm nghèo cho nông dân thì còn là loại cây có tác dụng cải tạo đất rất tốt bởi khả năng cố định đạm, chống sa mạc hóa, giảm chi phí đầu tư phân bón, ít dịch bệnh.
Ngoài thu hoạch củ, phụ phẩm từ cây đậu phộng có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Đó là lý do từ nhiều năm nay bà con nông dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) rất quan tâm và tăng diện tích trồng loại nông sản này.
Hiện nay xã Hòa Sơn có khoảng 194 ha trồng đậu các loại, trong đó có 120 ha đậu phộng, trồng nhiều nhất là các thôn 1, 2, 7, 8 và Thanh Phú. Giống đậu phộng mà bà con trồng chủ yếu là đậu sẻ, sau khi thu hoạch thường được phơi khô ép lấy dầu hoặc bán tươi. Năm nay đậu phộng được mùa được giá nên nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Sơn rất phấn khởi.
Nông dân xã Hòa Sơn thu hoạch đậu phộng. |
Như gia đình chị Lê Thị Lành (thôn 8) có gần 2.000 m2 trồng đậu phộng xen cây sắn. Chị gieo gần 10 kg đậu giống; sau khoảng 3 tháng thì thu hoạch được hơn 2 tạ đậu khô, đem ép thành dầu, thu được gần 5,5 triệu đồng. Bánh dầu phộng được chị dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; thân cây đậu, bánh dầu cũng là loại phân sinh học rất tốt cho tất cả các loại cây trồng.
Gia đình chị Huỳnh Thị Nga (thôn 1) năm nay xuống giống được 4,5 sào đậu phộng thuần. Sau 3 tháng gieo trồng, chị thu được 45 bao đậu, bán được 26 triệu đồng và để lại một ít ép lấy dầu ăn. Chị cho biết năm nay đậu phộng cho nhiều dầu nên bán được giá cao.
Để giúp bà con nâng cao thu nhập từ cây đậu phộng, vừa qua Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã triển khai cho một số hộ xã Hòa Sơn trồng thử nghiệm 1 ha các giống đậu cao sản như: L14, L22, DH 01. Qua thu hoạch cho thấy năng suất đạt từ 25 – 30 tạ/ha, cao hơn từ 5 - 10 tạ/ha so với giống đậu sẻ truyền thống mà bà con đang trồng. Tuy nhiên, dù các giống đậu cao sản thường nhiều hạt, hạt to hơn nhưng hàm lượng dầu có trong hạt lại ít hơn so với các loại đậu sẻ, chỉ thích hợp dùng để chế biến làm bánh kẹo...
Mộng Linh
Ý kiến bạn đọc