Triển vọng phát triển cây hoài sơn ở Đắk Nuê
Gia đình ông Nguyễn Xuân Chiến (buôn K’Diê 2) là hộ đầu tiên đưa cây hoài sơn vào sản xuất. Với đam mê nghiên cứu dược liệu và trực tiếp thu mua một số cây dược liệu của người dân để cung cấp cho các công ty dược trong nước, ông nhận thấy cây hoài sơn là thảo dược có nhiều tác dụng, nhưng trong nước lại thiếu hụt nguồn cung, các công ty dược chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. Do đó, tháng 5-2019, ông đã mua cây giống tại Viện Nghiên cứu giống cây trồng Trung ương và trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 đất thay cây hoa màu kém hiệu quả.
Vườn cây hoài sơn của gia đình ông Nguyễn Xuân Chiến (bên trái) phát triển xanh tốt. |
Ngoài việc học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ Viện nghiên cứu giống cây trồng Trung ương và mạng Internet, ông chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Sau khoảng bảy tháng chăm sóc, lúc thân cây bắt đầu héo, rũ xuống mặt đất, gia đình ông thu hoạch củ. Trung bình mỗi bụi cho từ 3 kg củ trở lên, đạt năng suất 8 tấn củ tươi/sào, với giá bán 10 – 15 nghìn đồng/kg. Gia đình ông thu lãi 50 triệu đồng/sào. Ông cung cấp sản phẩm tươi và khô cho các đơn vị như Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây, Công ty Dược phẩm Đông Á… Nhận thấy loại cây này phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, năm nay ông đã chuyển đổi 1,4 ha trồng cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng cây hoài sơn.
Ông Chiến cho biết, loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc, phát triển mạnh, không bị sâu bệnh. Để cây phát triển tốt, phải chú trọng đến khâu làm đất, cần cày xới tơi đất, trộn phân chuồng (hoặc phân vi sinh) và vôi vào trong đất, sau đó tạo luống để trồng. Cây hoài sơn trồng xen trong tiêu, cà phê rất tốt, làm thông mạch nước dưới lòng đất, tránh được bệnh chết nhanh chết chậm ở cây trồng và diệt được một số sâu bệnh hại trong đất. Ngoài trồng cây hoài sơn trong vườn nhà, ông còn bán giống cây, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu mua sản phẩm cho người dân. Ông dự định liên kết với người dân mở rộng lên 20 ha và bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật và mua giống cây từ gia đình ông Chiến, tháng 5 năm nay, gia đình anh Phạm Quang Tuyến (buôn Dhăm 2) đã đầu tư trồng 1.000 m2 hoài sơn. Hiện cây trồng này đang phát triển xanh tốt, không sâu bệnh. Theo anh Tuyến, cây hoài sơn chỉ trồng khoảng sáu tháng sẽ cho thu hoạch, thời gian còn lại anh có thể trồng thêm cây hoa màu.
Ông Nguyễn Xuân Chiến thăm mô hình cây hoài sơn trồng xen trong vườn tiêu của người dân. |
Ông Nguyễn Đình Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê cho biết, người dân trong xã đưa giống cây dược liệu vào trồng từ năm 2019, chủ yếu là cây hoài sơn và sâm bố chính. Hiện xã đã có khoảng 3 ha trồng hai loại cây này. Trong đó, cây hoài sơn phát triển tốt, đã cho thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao, còn cây sâm bố chính đang được người dân trồng thử nghiệm. Mặc dù cây sâm bố chính cho lợi nhuận cao, với giá hiện tại khoảng 80 – 120 nghìn đồng/kg tươi, nhưng vốn đầu tư lớn, lại khó chăm sóc và cây dễ bị bệnh nấm khó chữa nên nhiều người dân đã lựa chọn cây hoài sơn để phát triển sản xuất. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, Hội cũng đang liên kết nhiều hộ dân để triển khai mở rộng thêm diện tích và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc