Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng theo kiểu "đào lên, lấp xuống" đến bao giờ?

06:55, 31/12/2020

Công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) những năm gần đây đã được tỉnh cũng như các cấp, ngành quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ hạn chế, bất cập, điển hình nhất là việc xây dựng theo kiểu “đào lên, lấp xuống” diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Những ngày qua, đi trên đường Trần Quý Cáp (TP. Buôn Ma Thuột), thấy cảnh vỉa hè bị đào lên, đất đá, bụi bặm trước nhà dân và các cửa hàng kinh doanh khiến không ít người khó chịu. Ông V.T.T, ở đường Trần Quý Cáp bức xúc: từ khi con đường này hoàn thành thì đây là lần thứ ba gia đình ông chứng kiến cảnh vỉa hè trước nhà bị đào bới lên. Lần thứ nhất đào lên để trồng cây xanh, lần thứ hai để chôn dây cáp, mới đây là để lắp đường nước máy. Mỗi lần đào bới lên như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, nhất là đối với những hộ kinh doanh. Không riêng ông T., đây cũng là bức xúc chung của hầu hết người dân sinh sống trên những tuyến đường thường xuyên bị “đào, lấp”.

Vỉa hè trên đường Trần Quý Cáp (TP. Buôn Ma Thuột) đã bị đào lên nhiều lần.
Vỉa hè trên đường Trần Quý Cáp (TP. Buôn Ma Thuột) đã bị đào lên nhiều lần.

Việc xây dựng theo kiểu “đào lên, lấp xuống” nhiều lần diễn ra ở hầu hết các địa phương thể hiện việc xây dựng quy hoạch với tầm nhìn ngắn, thiếu tính chiến lược, không đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế... Việc lập và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn còn thiếu đồng bộ, khiến các dự án đầu tư chuyên ngành cũng không đồng bộ. Hệ lụy là đã dẫn đến tình trạng “đào lên, lấp xuống” triền miên, vừa làm nhiều tuyến phố xuống cấp càng nhanh, trông nham nhở như những “tấm áo vá”, vừa gây lãng phí tiền của, công sức.

Có thể nói, QHXD là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Về hình thức, QHXD được thể hiện ở đồ án QHXD bao gồm: sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh. QHXD không chỉ liên quan đến không gian trên mặt đất mà còn liên quan đến không gian ngầm, gồm phần ngầm của các công trình xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, giao thông ngầm đô thị, các công trình công cộng ngầm. Do có vai trò rất quan trọng trong đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nên những năm qua công tác này được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Để làm căn cứ quan trọng cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong đô thị, điểm dân cư nông thôn thì QHXD phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan, quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt quan trọng hơn là quy hoạch cần có tầm nhìn, chiến lược và có tính đồng bộ.

Nhiều hộ  kinh doanh  trên đường  Trần Quý Cáp phải đóng cửa  do vỉa hè  trước nhà  bị đào xới.
Nhiều hộ kinh doanh trên đường Trần Quý Cáp phải đóng cửa do vỉa hè trước nhà bị đào xới.

Để thực hiện được điều này, có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi công tác QHXD phải luôn đi trước; việc khảo sát, điều tra cơ bản, tính toán và dự báo, thu thập thông tin phục vụ công tác quy hoạch phải đầy đủ, khách quan, khoa học, có định hướng đúng và có tầm nhìn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Mặt khác, thực tế cho thấy, việc phát huy vai trò quan trọng của QHXD phải tiến hành đồng thời với việc ngăn chặn, khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát ngay trong các giai đoạn của quá trình QHXD và ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng do khâu quy hoạch gây ra. Hơn thế nữa, trong các khâu từ xây dựng đến triển khai quy hoạch đều cần phải thực sự chặt chẽ, khoa học. Nếu cứ xây dựng theo lối “cẩu thả” thì tình trạng “đào lên, lấp xuống” nhiều lần ở hầu hết các địa phương không biết sẽ còn diễn ra đến bao giờ?

Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 5-2-2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục những quy hoạch đã được phê duyệt còn hiệu lực, các quy hoạch đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh, thẩm định mà chưa được phê duyệt; đồng thời thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.