Tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo: Cần nâng cao nhận thức của người dân
Năm 2020, Đắk Lắk là một trong những tỉnh ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại trên người cao nhất cả nước với 6 ca tử vong. Và từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại (trong tháng 3-2021).
Điều đáng nói hiện Đắk Lắk đang bước vào thời kỳ cao điểm nắng nóng nên nguy cơ bệnh dại trên chó mèo rất dễ bùng phát, gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường triển khai chương trình tiêm phòng dại cho đàn chó mèo nhằm hạn chế phát sinh bệnh dại trên vật nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong đợt tiêm phòng vắc xin dại năm 2021, toàn tỉnh triển khai tiêm gần 57.000 liều cho đàn chó, mèo ở các địa phương. Trong đó, có 10.000 liều vắc xin được hỗ trợ để tiêm chó, mèo miễn phí cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, hộ nghèo; số vắc xin còn lại sẽ tiêm có thu phí, với giá 20.900 đồng/con/liều (gồm tiền vắc xin và công tiêm).
Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi của một hộ dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). |
“Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin dại đúng định kỳ. Do đó, để khống chế, loại trừ bệnh dại, chính quyền địa phương các cấp cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm Nghị định 90/2017/NĐ-CP đã quy định nhằm đề cao tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng".
Ông
Thủy Lệ Vũ
, Chi cục Phó quản lý chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y
|
Để thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng dại, Chi cục tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố (mỗi địa phương một ngày) trước và trong thời gian tổ chức tiêm phòng vắc xin dại. Đồng thời, yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y các địa phương lập kế hoạch tiêm phòng trình UBND cấp huyện phê duyệt; chủ động áp dụng cách tổ chức tiêm phòng cho phù hợp như: đặt điểm tiêm cố định tại trạm chăn nuôi và thú y, ban thú y xã, phường hoặc tổ chức đội tiêm phòng lưu động phục vụ người dân tận nhà; tập huấn cho cán bộ thú y thực hiện công tác tiêm phòng, đảm bảo tiêm đúng kỹ thuật và an toàn cho người đi tiêm, trang bị đầy đủ thùng lạnh để bảo quản vắc xin…
Tuy công tác chuẩn bị chu đáo nhưng đến nay đã hết thời gian tiêm phòng (từ ngày 1 đến ngày 31-3) mà tiến độ thực hiện mới được hơn 50%. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại, chưa chấp hành việc tiêm phòng cho chó nuôi. Địa bàn rộng, tập quán chăn nuôi thả rông nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng rất khó khăn (nhất là các xã vùng sâu, vùng xa) buộc thú y cơ sở phải đi lại nhiều lần mới tiêm được. Đó là chưa kể những hộ khó khăn vùng nông thôn nuôi chó mèo nhiều, lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiêm miễn phí nên việc hợp tác để tiêm hết đàn gặp không ít trở ngại. Việc xử lý chủ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng theo quy định (theo khoản 2, Điều 7, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y) chưa được UBND cấp xã quan tâm thực hiện.
Hiện chỉ có TP. Buôn Ma Thuột đã cơ bản tiêm xong vắc xin phòng dại chó, mèo với 8.000/9.800 liều. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột, địa phương có khoảng 12.000 con chó, mèo, theo kế hoạch tiêm 9.000 liều vắc xin (trong đó có 1.000 liều tiêm miễn phí), tuy nhiên tại xã Cư Êbur đã xảy ra một trường hợp người bị tử vong do bệnh dại nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp bổ sung cho thành phố thêm 800 liều, trong đó có 300 liều tiêm miễn phí cho đàn chó, mèo.
Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn mèo nuôi của một hộ dân ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng Trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho hay, địa phương có nhiều xã vùng ven, người dân nuôi chó, mèo khá nhiều nên công tác tiêm phòng dại khá vất vả. Ngoài những hộ thuộc diện được tiêm miễn phí, còn lại các hộ thuộc diện phải thu tiền khi đi tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi gặp không ít trở ngại vì một số gia đình nuôi khá nhiều chó nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, phải tuyên truyền, vận động để họ chấp nhận tiêm đầy đủ cho đàn chó. Cán bộ thú y cũng phải chọn thời gian đi tiêm là ngoài giờ hành chính để gặp người dân ở nhà mới có thể thực hiện tiêm phòng được.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, so với mọi năm, năm nay vắc xin về kịp thời, cán bộ chính quyền xã, thôn, buôn hợp tác rất tốt trong việc đưa cán bộ thú y đến từng hộ nuôi chó để tiêm phòng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn chưa khắc phục được là chó nuôi thả rông, không được nuôi nhốt nên việc đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn thường khó đạt được trong vòng một tháng. Để khắc phục những khó khăn trên, Chi cục đã đề nghị các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng vào các thời điểm trong ngày. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan ban, ngành về trách nhiệm và ý thức về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng chống hiệu quả và khuyến cáo người dân khi bị chó cắn nên sớm đến cơ sở y tế gần nhất để rửa vết thương, tư vấn phòng trị.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc