Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên sức mạnh từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

09:45, 17/11/2010

Một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng đã được dấy lên từ việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Và đặc biệt phong trào có ý nghĩa khi trở thành một trong những nguồn lực xuyên suốt để nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, phát huy nội lực và tinh thần tự quản của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống …

Kết quả 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh giai đoạn 2000-2010 ấn tượng với những con số: Toàn tỉnh có 73% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 1.066/2.384 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; 1.907/2.384 khu dân cư văn hóa. 3/15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức đăng ký xây dựng huyện điểm văn hóa của tỉnh là: Krông Pak, Krông Năng và Cư M’gar. Kể từ triển khai xây dựng phong trào, việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Thi đua lao động sản xuất, nhiều cách làm ăn mới, những sáng kiến hay về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27% năm 2005 xuống còn 10%.

Có thể khẳng định phong trào đã làm xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay nhân tố mới, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao trình độ dân trí của người dân ở các địa phương nhất là những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Phong trào đã trở thành một trong những hoạt động ý nghĩa về xây dựng môi trường văn hóa như phát động quần chúng tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; giải tỏa lòng lề đường lấn chiếm trái phép, lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị; loại bỏ dần các thủ tục rườm rà, hủ tục lạc hậu trong việc tang, việc cưới và lễ hội… Nhiều tập thể cá nhân điển hình đóng vai trò là hạt nhân tiêu biểu trong tập hợp vận động nhân dân ở cơ sở. Đó là ông Hồ Sỹ Dương với thâm niên 20 năm làm tổ trưởng Tổ dân phố 6, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột gương mẫu, kiên trì tuyên truyền, vận động bà con tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp làm đường, làm hội trường, tạo môi trường sống lành mạnh, tạo bộ mặt khang trang cho khu phố. Đó là bí thư kiêm thôn trưởng thôn 9, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk Nguyễn Tất Thắng với suy nghĩ  “cán bộ nào, phong trào ấy; một việc làm tốt để dân nghe, dân thấy bằng trăm lời vận động” đã nêu gương sáng trong vận động người dân trong thôn thực hiện nghiêm đường lối chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt được những kết quả đáng khâm phục: Công tác nộp thuế của thôn 9 hằng năm đều đạt trên 100% chỉ tiêu được giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm; người dân tự nguyên đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, nâng cấp tu sửa 13 km đường. Gắn phong trào với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, các chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều hình thức và các phong trào như: xây dựng đồn biên phòng trở thành “điểm sáng văn hóa” trên biên giới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực biên giới”,  mở các lớp xóa mù chữ, biểu diễn văn hóa văn nghệ, xây dựng bưu điện văn hóa xã... Bộ đội biên phòng đã góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở ngành xây dựng khu vực biên giới ổn định về chính trị, phát triển kinh tế , quốc phòng an ninh được tăng cường; số thôn buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa là 11/50, số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là 1800/4.540 hộ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm nhân lên sức mạnh trong toàn xã hội. Sức mạnh ấy được tổng hợp từ mọi giai tầng trên cơ sở lấy sức dân làm gốc, coi nhân dân là lực lượng nòng cốt của phong trào. Người dân thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi được tham gia và đóng góp công sức trí tuệ vào phong trào qua nhiều nội dung, hình thức bao trùm mọi khía cạnh của đời sống xã hội như: Xây dựng gia đình văn hóa; thôn buôn tổ dân phố văn hóa; công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có nếp sống văn hóa; phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phong trào lao động, học tập sáng tạo; đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa; thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội... Trong thực hiện phong trào, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy: ở thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán tính cộng đồng được quan tâm; ở vùng đồng bào công giáo, vai trò của linh mục, chức sắc tôn giáo được coi trọng. Ý Đảng, lòng dân, bên cạnh được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phong trào ngày càng lớn mạnh do được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp thực hiện giữa các cơ quan ban ngành đoàn thể. Và chính sức mạnh tổng hợp ấy là cội rễ của những thành tựu về kinh tế - xã hội, của những giá trị văn hóa truyền thống được phục dựng, bảo tồn, phát huy và của một nền quốc phòng an ninh vững chắc.

 

Lương Nam

 


Ý kiến bạn đọc