Cẩn trọng với cháy chợ, trung tâm thương mại và hiểm họa thường trực trong sử dụng gas
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội. Trong đó, những vụ cháy thường gây ra hậu quả nghiêm trọng là cháy do sử dụng gas và đặc biệt là cháy chợ, trung tâm thương mại (TTTM) đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát PCCC, trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy chợ, nổi lên như các vụ: ngày 7-1-2008, cháy chợ xã Ea Trul (Krông Bông); ngày 9-11-2008, cháy sạp tạp hóa nhà lồng chợ B Cư M’gar (huyện Cư M’gar); chợ thị trấn Phước An (Krông Pak) xảy ra 2 vụ cháy vào ngày 4-2-2007 và ngày 7-1-2010; tại TP. Buôn Ma Thuột cũng đã xảy ra vụ cháy chợ B xã Hòa Thuận vào ngày 4-5-2008 và vụ cháy chợ tạm thành phố ngày 4 - 4-2010…Mặc dù các vụ cháy trên đều được phát hiện và chữa kịp thời nên đã không xảy ra cháy lớn, nhưng nguy cơ cháy chợ trên địa bàn Dak Lak hiện là rất cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy chợ nhưng chủ yếu là do ý thức và nhận thức của người dân đối với vấn đề này chưa cao, dẫn đến chủ quan. Bên cạnh hiểm họa do các vụ cháy chợ, TTTM là các vụ cháy do khí dầu mỏ hóa lỏng (gas). Hiện nay hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng gas trong việc đun nấu phục vụ sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt các quán ăn, nhà hàng thì việc sử dụng gas là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán các măt hàng liên quan đến việc sử dụng gas (bếp gas, bình gas, các phụ kiện…) đã mọc lên. Với đặc thù tính chất dễ cháy, nổ, dễ lây lan trên diện rộng với vận tốc lớn và nhiệt độ khi cháy có thể lên đến gần 2 ngàn độ C và có thể gây tử vong do ngạt khí gas thì nguy cơ cháy nổ khí gas là rất lớn. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về công tác PCCC trong kinh doanh, bảo quản và sử dụng gas còn nhiều hạn chế. Đã có nhiều vụ cháy thương tâm, gây thiệt hại nặng về người và tài sản chỉ vì chủ quan, thiếu hiểu biết.
Hiện trường một vụ cháy do rò khí gas tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Để bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế thiệt hại do các vụ hỏa hoạn gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC có những khuyến cáo đối với người dân:
Đối với các chợ và TTTM, mỗi hộ kinh doanh chỉ tồn chứa hàng hóa trong sạp hàng, quầy hàng với khối lượng vừa phải, không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định. Tuyệt đối không kinh doanh các chất đặc biệt dễ cháy như xăng, dầu, cồn…trong chợ, TTTM; nếu sử dụng dầu, gas… với mục đích phục vụ ăn uống, giải khát thì phải bảo đảm các yêu cầu về PCCC và phải được cơ quan chức năng cho phép, cấp phép theo quy định. Trong khu vực cho phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải có người trông coi, quản lý, đóng ngắt các thiết bị khi không sử dụng; tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương và đốt vàng mã thờ cúng. Tách biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh với hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ và hệ thống điện phục vụ thoát nạn, chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áp-tô-mát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp, hộ kinh doanh. Các thiết bị tiêu thụ điện dùng trong sinh hoạt phục vụ hoạt động kinh doanh phải có người quản lý và được đóng ngắt khi không sử dụng. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng đèn, chấn lưu đèn nê-ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi, bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng. Bố trí hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Lắp đặt, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy, sạp, bãi xe trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với khu vực lân cận. Không được làm cản trở việc tiếp cận, việc sử dụng các thiết bị, hệ thống chữa cháy đã được trang bị như bình chữa cháy, họng nước, bể nước chữa cháy. Thành lập các đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy, đồng thời rà soát, bổ sung các phương tiện chữa cháy tại chỗ và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cũng như thực tập PCCC trong tình huống phức tạp nhất. Khi xảy ra cháy, cần tìm mọi cách nhanh nhất báo cho lực lượng PCCC theo số máy 114, báo cho công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức lực lượng tại chỗ dập cháy, chữa cháy và cứu người.
Đối với các hộ gia đình kinh doanh và sử dụng gas, cần sử dụng các thiết bị liên quan như bếp, bình, dây dẫn gas bảo đảm chất lượng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên kiểm tra tình trạng các thiết bị. Khi lắp đặt thiết bị (bếp gas, bình gas, điều áp, ống dẫn, kẹp ống,…) phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Hạn chế dùng nồi có đáy quá lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm. Chú ý kiểm tra trọng lượng bình gas để bảo đảm thể tích của bình gas. Không nên dùng bình gas sang, chiết nạp (bếp mini) vì hiện nay chất lượng các loại bình chứa khí nén không được kiểm soát một cách đầy đủ, nên không bảo đảm an toàn.
Có thể thấy rằng, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu và tiềm ẩn sự nguy hiểm, nhưng nguy cơ ấy hoàn toàn có thể tránh được nếu mọi người dân đề cao cảnh giác và làm theo đúng các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Ý kiến bạn đọc