Chuyện của những đứa trẻ đường phố ở Trung tâm tình thương Vinh Sơn
Trong Trung tâm tình thương Vinh Sơn (đường Lê Thánh Tông, TP. Buôn Ma Thuột), hằng ngày vẫn diễn ra nhịp sống hối hả của những đứa trẻ có số phận không may mắn. Sau giờ học, các em không được vui chơi như bao đứa trẻ khác, mà phải tất bật với công việc để mưu sinh.
Những đứa trẻ mang gánh nặng gia đình
Hơn 15 năm nay, Trung tâm tình thương Vinh Sơn đã có không biết bao nhiêu trẻ em lang thang, cơ nhỡ đến học rồi ra trường, nhiều em đã và đang học ở các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Không những được học, mà các em đến đây còn được dạy cách sống, cách làm người có ích để tránh xa những tệ nạn xã hội luôn rình rập trong cuộc sống mưu sinh. Có thể nói, cuộc đời các em là một câu chuyện dài đầy xúc động, đầy những khó khăn, gian khổ từ đời sống vật chất đến tinh thần.
Mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 19, nhưng em Đinh Văn Hải mới chỉ học lớp 4. Kể về hoàn cảnh của gia đình mình, em buồn bã nói, ba em mất, mẹ thì bỏ đi khi 3 anh em đang còn nhỏ, mấy anh em phải sống nương nhờ vào họ hàng. Không ngại khó, ngại khổ, ngoài giờ đi học, em phải làm thuê như rửa xe, phụ hồ… để kiếm tiền nuôi hai đứa em. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng Hải luôn cố gắng lo cho các em được đi học, bởi em nghĩ, việc học của mình bây giờ là quá khó, nhưng mình có thể làm mọi việc để các em được đi học.
Cuộc sống gia đình ly tán, cha mẹ mỗi người mỗi đường, không ai chịu nuôi con nên em Lê Văn Hiếu (lớp 3) phải ở với ông bà nội từ khi còn nhỏ. Ông bà nội lại quá già, do thế, Hiếu vừa không được đến trường mà còn phải đi bán vé số từ khi còn nhỏ để kiếm tiền nuôi ông bà. May mắn đến với Hiếu, khi em được các xơ ở Trường tình thương Vinh Sơn đưa về cho học chữ. Với em Phạm Đức Tín (học sinh lớp 4) thì luôn sống trong cảnh sợ hãi bởi sự bạo hành của cha dượng. Cha mẹ ly hôn, người mẹ đi thêm bước nữa và đó cũng là lúc em luôn phải sống trong cảnh bạo lực gia đình. Những lúc được đi học là lúc em cảm thấy hạnh phúc nhất, bởi ở đây em vừa được học chữ, vừa được ăn cơm trưa miễn phí; còn sau giờ học, Tín và đứa em gái nhỏ của mình phải đi bán đậu phộng ở các quán ăn, quán nhậu. Những ngày không bán hết hàng, em luôn phải chịu những trận đòn không thương tiếc từ chính người cha dượng sống bằng số tiền của em cực nhọc kiếm được.
May mắn hơn các bạn khác là còn cả ba mẹ, nhưng Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn (học sinh lớp 5) hằng ngày vẫn phải đi đánh giày để kiếm tiền, bởi ba mẹ em đều nằm một chỗ vì bị bại liệt. Nói về ước mơ của mình, Tuấn thổ lộ: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ba mẹ và những người nghèo”. Nhìn ánh mắt của em, chúng tôi biết sự ngập ngừng trong câu nói, liệu ước mơ có trở thành hiện thực không khi con đường phía trước của em quá nhiều khó khăn. Mỗi em mỗi cuộc sống khác nhau, nhưng ở đâu đó, niềm tin và mơ ước của các em luôn bùng lên mạnh mẽ khi nhắc đến, đó là khát khao được tiếp tục đi học. Và chính tại trong trung tâm này, tình thương và sự dạy dỗ ân cần của các thầy cô giáo, của các xơ đã sưởi ấm và tiếp lửa thắp sáng những ước mơ.
Sau những giờ học các em được ăn cơm trưa miễn phí tại Trung tâm. |
Những tấm lòng sẻ chia
Không như những ngôi trường khác, Trung tâm tình thương Vinh Sơn, nơi học tập của 150 em học sinh là những trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ở đây, chỉ có 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5), nhưng có đến 9 thầy cô giáo, họ là những giáo viên đang dạy ở các trường công lập. Đặc biệt, có 2 giáo viên là những thầy cô giáo đã về hưu, nhưng họ vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người, đó là thầy Trần Xuân Quang giáo viên dạy mỹ thuật và cô Nguyễn Thị Hà, dạy luyện viết chữ đẹp. Riêng 2 giáo viên này không nhận lương, hay các khoản phụ cấp; còn những thầy cô giáo khác thì chỉ nhận mỗi tháng vài ba trăm nghìn tiền xăng xe đi lại, mặc dù vậy, nhưng họ luôn nhiệt tình trong việc giảng dạy các em học tập. Cô Nguyễn Thị Thục Nữ, giáo viên lớp 4, đã gắn bó với trung tâm 5 năm tâm sự: “Các em không may mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc và đầy đủ như những đứa trẻ khác, do đó mình cần quan tâm, hướng các em sống theo con đường tốt. Bởi những đứa trẻ này đang sống trong một môi trường dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội”. Không chỉ có những giáo viên này, mà nhiều sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thường xuyên đến dạy học và sinh hoạt cùng các em.
Một ngày học ở Trung tâm tình thương Vinh Sơn từ 7 giờ 30 phút, đến 10 giờ 30 phút các em ăn cơm rồi nghỉ trưa tại trường. Việc chuẩn bị cơm trưa hằng ngày đều do một mình sơ Nguyễn Thị Tuyết Mai (quản lý Trung tâm) tự làm lấy. Chi phí ăn uống cũng như học tập của các em đều được vận động từ những nhà hảo tâm và sự giúp đỡ của các cha xứ nhà dòng. Sau khi học hết chương trình lớp 5 ở đây, các em sẽ được tiếp tục học ở các trường trung học cơ sở công lập khác, tuy nhiên vì hoàn cảnh nên nhiều em sau khi ra khỏi Trung tâm chỉ theo học ở các trường được một vài năm rồi phải nghỉ.
Thực tế, khi xã hội càng phát triển, thì đời sống con người ngày càng nâng lên, nhưng bên cạnh đó tình trạng bạo lực gia đình, hôn nhân tan vỡ cũng nhiều dẫn đến tình trạng không ít trẻ em vào các trung tâm tình thương nương tựa. Do đó, nên chăng cần sự quan tâm của các bậc cha mẹ và cả cộng đồng để đưa đến một xã hội mà trẻ em có một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp.
Ý kiến bạn đọc