Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn cộng tác viên dân số

17:15, 01/04/2011

Có tận mắt chứng kiến công việc của các cộng tác viên (CTV) dân số, mới cảm nhận hết nhiệt huyết bên trong những con người ấy. Họ làm việc với tất cả sự nhiệt tình, chu đáo để đưa chính sách dân số đến với từng gia đình, từng thôn xóm. Với họ, thuyết phục được thêm một người sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, giúp thêm một gia đình thông hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã là niềm vui không nhỏ…

Vất vả nhưng mà... vui!
Theo chân chị Đào Thị Cử, CTV dân số khối 6, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đi tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chúng tôi đã phần nào cảm nhận được nỗi vất vả của cái “nghề tay trái” chị đang làm. Giữa trời nắng chang chang, chị vẫn một mình một xe chạy dọc con phố, thấy nhà nào mở cửa thì ghé vào. Có nhà thấy chị bước vào cổng thì cho con trẻ chạy ra nói ngắn gọn “Bố mẹ cháu đi vắng rồi!”, chị vui vẻ quay gót không quên để lại lời dặn dò “Ừ! Nói với bố mẹ bữa sau cô ghé nhé!”, nhưng cũng có nhiều nhà đón tiếp chị khá ân cần, niềm nở. Dừng xe trước ngôi nhà màu xám tro, chị gọi vọng vào: “H. ơi, có nhà không đấy?”. Nghe tiếng gia chủ trả lời, chị nhanh chân vào trong. Gặp được người cần gặp dường như cái mệt của việc chạy xe dưới trời nắng nóng tan biến cả, chị xởi lởi trò chuyện hỏi thăm, rồi tỉ tê tâm sự chuyện gia đình, con cái như người thân trong nhà, khi thấy cả 2 vợ chồng gia chủ đều vui vẻ chuyện trò, chị mới lân la sang nhiệm vụ chính là vận động KHHGĐ. Cuộc gặp gỡ ngày hôm ấy được coi là thành công, bởi chị đã thuyết phục được gia chủ đồng ý đặt vòng tránh thai sau 2 lần sinh. Bước ra khỏi cổng, chị thở phào nhẹ nhõm, rồi quay sang chúng tôi chia sẻ: “Những ngày đầu nhận làm CTV dân số tôi rất lo lắng vì không biết liệu mình đi tuyên truyền, vận động bà con khối phố có ủng hộ không, rồi làm sao đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân số đến được với bà con và làm thế nào để chuyển tải những chính sách đó thật dễ hiểu, có hiệu quả. Ban đầu đến nói chuyện với mọi người, nhất là cái chuyện tế nhị, phòng the, nhiều lúc bị coi là nhiều chuyện, làm phiền, thấy ngại lắm, nhưng riết rồi cũng quen, bây giờ thì gặp ai tôi cũng tuyên truyền, vận động được miễn là họ chịu gặp…”. 

Còn với chị Trần Thị Liên, CTV dân số thôn 2 (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) thì làm CTV dân số là “làm dâu trăm họ” nên để thành công được thì người CTV phải có cái tâm và biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Gia đình làm nghề nông, lại trồng hoa màu nên thời gian rảnh với chị là rất hiếm, thế nhưng, chỉ vì thấy trong thôn có nhiều chị em do đẻ nhiều, nhà đông con mà rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lam lũ nên chị tham gia công tác dân số để vận động bà con địa phương thực hiện KHHGĐ cho đời sống bớt cơ cực. Chưa từng nói trước đám đông nên việc thuyết phục người khác nghe theo mình không phải là dễ dàng đối với chị, bởi việc vận động KHHGĐ là một việc khá tế nhị. Song, chính lòng nhiệt tình đã khiến chị tự mày mò, học hỏi và tìm hiểu nắm bắt hoàn cảnh của mỗi gia đình cũng như tâm lý của các đối tượng để có cách vận động, thuyết phục phù hợp. Hằng ngày, tranh thủ những lúc mọi người có ở nhà, nhất là những cặp vợ chồng đã có hai con hoặc nhiều hơn, chị lại tìm đến. Bằng cách tỉ tê tâm sự, chị giải thích cho các gia đình hiểu việc sinh nhiều con là đồng hành với nghèo khổ, con cái không có điều kiện học hành như bạn bè đồng trang lứa; rồi chị vận động chị em tham gia các buổi tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân, có sức khỏe mới có thể tham gia lao động sản xuất tốt… Sự quan tâm, chia sẻ thân tình ấy đã giúp cho chính sách sinh ít con được nhiều gia đình đồng tình ủng hộ, từ đó họ tự có ý thức trong việc thực hiện KHHGĐ và tỷ lệ sinh con thứ 3 của người dân trong thôn từng bước giảm dần…

Chị Đỗ Thị Tuất, CTV dân số tổ dân phố 8, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đang tư vấn các biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ trên địa bàn.
Chị Đỗ Thị Tuất, CTV dân số tổ dân phố 8, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đang tư vấn các biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ trên địa bàn.
Niềm vui xen lẫn băn khoăn
Quả thực, để vận động được một gia đình nghe và làm theo chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, những CTV dân số như chị Cử, chị Liên đã phải làm rất nhiều việc hoàn toàn không có tên trong lịch làm việc như: rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động; đến từng nhà để làm quen và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình; đọc tài liệu, nắm bắt đầy đủ thông tin của các biện pháp KHHGĐ để có cơ sở tư vấn cho chị em; rồi theo dõi, nhắc nhở chị em đến cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ… Khó khăn, vất vả là vậy, song, mỗi lần tuyên truyền, vận động thành công, niềm vui lại ùa đến. Niềm vui của các chị không chỉ là việc nhận được sự đồng thuận của một gia đình mà còn là niềm vui tinh thần của những người đã và đang làm việc có ích cho mọi người. Thế nhưng, đằng sau niềm vui ấy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Chị Cử bộc bạch: “Nhiều người vẫn nghĩ công việc của CTV dân số chúng tôi đơn giản lắm, mỗi tháng chỉ cần bỏ ra vài ngày công đi tuyên truyền, vận động, cuối tháng nhận phụ cấp là xong. Thế nhưng, thực chất công việc này có làm thì mới biết. Tuy công việc tháng nào cũng giống nhau, nhưng để bảo đảm duy trì được hoạt động dân số - KHHGĐ trên địa bàn đòi hỏi chúng tôi phải mất nhiều công sức. Hơn nữa, với tôi đây chỉ là việc làm thêm, tham gia là để được hoạt động xã hội chứ việc chính vẫn là buôn bán kiếm sống…”. Còn chị Liên lại cho rằng: “Nếu chỉ vì tiền phụ cấp hàng tháng mà làm thì chẳng ai dại gì chọn lựa công việc này, bởi với số tiền 150.000 đồng/tháng (hoặc 200.000 đồng/tháng đối với các CTV ở xã vùng III) chưa đủ để trả tiền xăng chứ nói gì đến tiền công lao động. Hầu hết các CTV chúng tôi tham gia công việc này là đều xuất phát từ tấm lòng, muốn được giúp đỡ mọi người, chứ chẳng ai nghĩ đến lợi ích cả đâu…”.

Được biết, tỉnh ta hiện có 3.450 CTV dân số, bao phủ rộng khắp 184 xã, phường với trên 2.000 thôn, buôn. Gian khổ không lùi bước, khó khăn không nản lòng, bước chân lặng lẽ của CTV dân số ở cơ sở dường như in dấu ở tất cả các nẻo đường. Họ chính là lực lượng cuối cùng, quan trọng của ngành Y tế trong việc đưa chính sách dân số -KHHGĐ đến với từng người dân. Tuy nhiên, để duy trì được những hiệu quả hoạt động mà mạng lưới này đem lại, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những chính sách mới nhằm khuyến khích các CTV tham gia hoạt động lâu dài. Đồng thời, cũng cần tăng cường đầu tư hỗ trợ về chuyên môn để giúp các CTV có tâm huyết, trách nhiệm ngày càng phát huy được vai trò của mình.

 

Khánh Duy

 


Ý kiến bạn đọc