Multimedia Đọc Báo in

Cần nhanh chóng khắc phục những bất cập ở công trình cấp nước tập trung thị trấn Ea Drăng

08:50, 24/06/2011

Công trình cấp nước tập trung thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo)  thuộc Dự án phát triển nước ngầm cung cấp nước sạch nông thôn cho một số tỉnh Tây Nguyên do tổ chức (JICA) của Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại với tổng mức vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2009 và hiện do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH&VSMT) tỉnh quản lý, bảo đảm cung cấp nước ổn định cho 13 tổ dân phố và 3 buôn trên địa bàn thị trấn. 

Nhờ sự hỗ trợ chi phí kết nối của UBND huyện Ea H’leo, người dân buôn Blếch được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ năm 2010.
Nhờ sự hỗ trợ chi phí kết nối của UBND huyện Ea H’leo, người dân buôn Blếch được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ năm 2010.
Từ khi công trình cấp nước tập trung đi vào hoạt động, người dân nơi đây rất phấn khởi vì có nước sạch sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Để khuyến khích người dân đăng ký sử dụng nước sạch, UBND huyện đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí đấu nối (200.000 đồng) cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 3 buôn trên địa bàn thị trấn. Vì vậy, số hộ đăng ký kết nối ngày càng tăng, từ 1.500 hộ năm 2010 lên 2.030 hộ năm 2011, đạt 56,6% công suất thiết kế của công trình. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, việc kết nối, sử dụng nước sạch từ công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo TTNSH&VSMT tỉnh, tình trạng nợ tiền nước kéo dài đã diễn ra từ năm 2010, tính đến cuối tháng 3-2011 đã lên đến 79 triệu đồng. Trong khi đó, Trung tâm vẫn phải mua hóa chất xử lý nước, chi trả lương cho cán bộ quản lý vận hành, tiền điện và chi phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Không những vậy, công trình còn thường xuyên gặp sự cố do việc thi công làm đường giao thông tại địa phương đã làm hỏng nhiều tuyến ống nước. Chẳng hạn như, gần đây nhất, đơn vị thi công tuyến cáp quang và làm vỉa hè các trục đường đã làm bể nhiều đoạn ống dẫn đến việc công trình phải tạm thời ngưng cấp nước cho các tổ dân phố 2, 8, 9, buôn Lê B và buôn Blếch. Thêm vào đó, do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên đã tự ý cắt đường ống dẫn nước về sử dụng, tưới tiêu không qua đồng hồ, tháo dỡ van, khóa, đường ống một số tuyến ống. Do không có hệ thống đồng hồ và van điều tiết nên ở một số nơi, nước chảy tràn lan cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, tỷ lệ thất thoát nước đang ở mức báo động, khu vực thất thoát nhiều nhất khoảng 76%, ít nhất cũng 44%, gây khó khăn cho việc cấp nước. Nhiều hộ thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền đấu nối, tiền nước hằng tháng rất bức xúc trước tình trạng trên bởi việc cấp nước không bảo đảm liên tục. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến tính bền vững của công trình. Anh Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trạm cấp nước thị trấn Ea Drăng cho biết: “Để khắc phục tình trạng trên, trung tâm đã đề xuất giao lại việc thu tiền nước cho Ban tự quản các buôn và tổ dân phố. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của người dân, rất cần sự phối hợp tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể địa phương”. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc TTNSH&VSMT tỉnh cho biết: “Thời gian qua, trung tâm đã nhiều lần phối hợp với UBND thị trấn, Ban tự quản các tổ dân phố, buôn tổ chức họp dân và trực tiếp tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như quy định xử phạt các hành vi vi phạm việc cấp thoát nước theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính Phủ. Đồng thời để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ đã đóng tiền đấu nối đồng hồ, trung tâm sẽ chỉ đạo cho ban quản lý công trình phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản, phạt hành chính những hộ vi phạm và cả những đơn vị làm hư hỏng đường ống trong quá trình thi công công trình mà cố tình không có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Đối với những hộ chây ỳ không chịu đóng tiền nước, Trung tâm sẽ chỉ đạo Ban quản lý công trình ngưng cấp nước cho đến khi đóng đủ số tiền còn thiếu”.

Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung thị trấn Ea Drăng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, ngoài trách nhiệm của trung tâm và ban quản lý trạm thì chính mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản chung, nhất là việc đóng tiền nước và chi phí đấu nối đầy đủ để công trình có kinh phí tiếp tục duy trì hoạt động. Thêm vào đó, các đơn vị thi công công trình giao thông, cáp quang trên địa bàn thị trấn cũng cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa những hư hỏng về đường ống, đồng hồ xảy ra trong quá trình thi công của đơn vị mình để việc cấp nước được thường xuyên, liên tục.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc